.

Biểu tình leo thang, Thủ tướng Thái lánh nạn

.

Khoảng 30.000 người tiến hành “đảo chính của nhân dân”, chiếm giữ nhiều cơ quan nhà nước, kiểm soát đài truyền hình PBS của Thái Lan. Thủ tướng Yingluck Shinawatra được hộ tống đến một địa điểm khác.

Những người biểu tình ném đá vào cảnh sát.  				                 Ảnh: AP
Những người biểu tình ném đá vào cảnh sát. Ảnh: AP

Ngày 1-12 là ngày thứ 8 diễn ra biểu tình chống chính phủ Thái Lan. Lãnh đạo phe biểu tình gọi đây là “ngày quyết định”, thậm chí còn tuyên bố đây là “ngày chiến thắng” (V-Day) đối với một cuộc “đảo chính của nhân dân”. Các lãnh đạo lực lượng biểu tình thúc giục những người ủng hộ chiếm giữ 10 cơ quan chính phủ, 6 đài truyền hình, các trụ sở cảnh sát và văn phòng Thủ tướng.

“Đảo chính của nhân dân” diễn ra sau một đêm bạo lực với ít nhất 3 người chết (gồm một sinh viên và 2 người thuộc phe áo đỏ), 54 người khác bị thương. Sự việc làm gợi nhớ đến cuộc xung đột đẫm máu vào năm 2010 với hơn 90 người chết, gây chia rẽ xã hội Thái Lan, đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.

Reuters dẫn lời cảnh sát cho biết, những người biểu tình lần này tập trung tại ít nhất 8 điểm, vẫy cờ, thổi còi ầm ĩ, trong đó tấn công vào một câu lạc bộ thể thao của cảnh sát - nơi có sự hiện diện của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà Yingluck phải rời trụ sở này và đến một địa điểm bí mật khác. Đến chiều cùng ngày vẫn không rõ bà Yingluck ở đâu. Song, chính phủ bác bỏ các tin đồn bà đã ra nước ngoài.

Nhiều tiếng súng cũng vang lên vào sáng 1-12, nhưng chưa rõ ai chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Cảnh sát được điều động đến bảo vệ tài sản của các cơ quan chính phủ nhưng vẫn không thể ngăn cản được dòng người ồ ạt trên đường phố và trước các cơ quan chính phủ. Họ phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn những người biểu tình đang tìm cách phá bỏ các chướng ngại vật dựng xung quanh văn phòng chính phủ. Đây cũng là lần đầu tiên cảnh sát dùng bạo lực để chống lại những người biểu tình trong một tuần qua. AFP gọi đây là thảm kịch mới nhất - hệ lụy của dự thảo luật ân xá gây nhiều tranh cãi - đánh dấu sự đối đầu giữa tầng lớp trung lưu đô thị với những người nghèo ở nông thôn vốn ủng hộ Thủ tướng Yingluck cùng anh trai - cựu Thủ tướng Thaksin.

Các nhà chức trách đang triển khai hơn 2.700 binh sĩ. Thực tế, chính phủ không muốn cầu viện quân đội nhưng có lẽ không còn lựa chọn nào khác.

Trong lúc đó, một quan chức cấp cao trong Đảng Puea Thái cầm quyền cho biết, đảng này đã nhất trí rằng việc giải tán Hạ viện là giải pháp cuối cùng để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan. Lãnh đạo Đảng Puea Thái đã có cuộc gặp với Thủ tướng Yingluck nhằm bàn thảo giải pháp để tháo ngòi nổ khủng hoảng. “Chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết khủng hoảng. Nhưng nếu mọi giải pháp đều thất bại, chúng tôi sẽ giải tán Hạ viện”, vị quan chức này nói.

Bà Yingluck trước đó kêu gọi đối thoại với lực lượng biểu tình và cho rằng, nền kinh tế của đất nước bị tổn hại sau cuộc biểu tình chiếm giữ Bộ Tài chính vào ngày 25-11. Tuy nhiên, lời kêu gọi của bà không được phe đối lập chấp nhận. Cựu Phó Thủ tướng, cũng là lãnh đạo biểu tình - ông Suthep Thaugsuban- muốn thành lập “hội đồng nhân dân” và lựa chọn những người giỏi điều hành đất nước. Song, bà Yingluck cho rằng, bước đi như thế là vi hiến, đồng thời loại bỏ khả năng bầu cử sớm.

Thái Lan đang đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ tháng 5-2010 đến nay. Cũng trong ngày 1-12, các lãnh đạo của phe áo đỏ thân chính phủ ra lệnh những người ủng hộ chấm dứt cuộc tuần hành quy mô lớn tại Bangkok nhằm tránh làm tình hình thêm phức tạp. Theo đó, hàng ngàn người bắt đầu giải tán, trở về nhà bằng xe buýt. Nhưng các nhà quan sát vẫn lo ngại nguy cơ bạo lực gia tăng nếu những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck tràn vào Bangkok (đảng của bà được sự ủng hộ mạnh mẽ ở bên ngoài thủ đô).

Quân đội đề nghị làm trung gian đàm phán

Tư lệnh quân đội Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha, ngày 1-12 đề nghị làm trung gian đàm phán giữa chính phủ với người biểu tình nhằm giải quyết cuộc xung đột chính trị hiện tại. Theo trợ lý người phát ngôn quân đội Winthai Suwaree, ông Prayuth đề nghị tìm giải pháp cho hai bên nhưng nhấn mạnh rằng, trước hết cả hai phải ngừng đối đầu.

Tân Hoa xã cho hay, giám sát chặt chẽ tình hình đang diễn ra, ông Prayuth đã gọi cho Giám đốc Cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaew và yêu cầu ông này chỉ đạo lực lượng không bắn hơi cay vào người biểu tình.

Hồi đầu tuần trước, ông Prayuth nói rằng, quân đội giữ vị trí trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị.

Trong lúc đó, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban kêu gọi tổng đình công vào hôm nay (2-12) với quyết tâm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.