.

Bước lùi của chính phủ Thái Lan

.

Không khí ở Bangkok ngày 3-12 trở nên yên tĩnh hơn sau những ngày bạo lực khiến 5 người thiệt mạng. Song, những người biểu tình vẫn quyết tâm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Hàng rào bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Bangkok được tháo dỡ.                    Ảnh: AP
Hàng rào bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Bangkok được tháo dỡ. Ảnh: AP

Ngày 3-12 đánh dấu sự nhượng bộ của các nhà chức trách khi những người biểu tình được phép tiến vào các trụ sở của chính phủ. Hàng rào bên ngoài Tòa nhà chính phủ và Sở Cảnh sát ở Bangkok được tháo dỡ. Hàng trăm người biểu tình vẫy quốc kỳ, thổi còi vui mừng chiến thắng. Song, sau khi vào sân của Tòa nhà chính phủ, những người biểu tình rút khỏi nơi đây trong hòa bình.

Việc nhượng bộ nói trên được cho là sự đảo ngược chiến lược đầy bất ngờ của chính phủ nhằm xoa dịu căng thẳng trước ngày sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej.

Reuters cho biết, dòng người biểu tình vẫn có mặt trên các đường phố nhưng sự đối đầu giữa phe ủng hộ và phe chống chính phủ có lẽ đã giảm hẳn. Tuy nhiên, cựu Phó Thủ tướng và là lãnh đạo phe biểu tình, ông Suthep Thaugsuban, cam kết đấu tranh đến cùng để lật đổ chính phủ đương nhiệm. Ông Suthep nói: “Hôm nay chúng ta chiến thắng một phần nhưng chúng ta sẽ chiến đấu cho đến khi lật đổ chế độ Thaksin”. Ngày 5-12 tới sẽ là sinh nhật của Quốc vương Bhumibol Adulyadej và những người biểu tình có thể tiếp tục chiến dịch. Quốc vương được tất cả người dân Thái Lan tôn kính và xem là biểu tượng duy nhất của sự đoàn kết ở quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana, nội các Thái Lan nhóm họp trong sáng 3-12 và chính phủ vẫn đảm nhận công việc của mình. Lý giải về việc tháo dỡ các hàng rào an ninh, ông Thepkanchana nói rằng, những người biểu tình chỉ muốn chiếm giữ các cơ quan chính phủ như một hành động mang tính biểu tượng nên các nhà chức trách đã nhượng bộ họ. “Chúng tôi không đầu hàng”, ông Thepkanchana khẳng định. Vị Phó Thủ tướng cũng cho biết, bà Yingluck muốn để ngỏ đối thoại với lực lượng biểu tình, các học giả và những người khác nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp. Song, người đứng đầu chính phủ kiên quyết không từ chức.

Giám đốc Sở Cảnh sát Bangkok Kamronvit Thoopkrachang xác nhận việc các nhân viên của ông không chống lại những người biểu tình. “Chúng tôi đã ra lệnh cho tất cả cảnh sát rút lui. Đây là chính sách của chính phủ nhằm tránh sự đối đầu”, ông Thoopkrachang nói. Ông Thoopkrachang rất thân thiết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ được bắt đầu từ ngày 24-11 diễn ra trong hòa bình cho đến ngày 29-11 thì chuyển sang bạo lực. Reuters nhận định: Bạo lực có thể làm gia tăng cơ hội quân đội thúc đẩy việc khôi phục trật tự và đặt ra câu hỏi về vai trò của quân đội trong cuộc khủng hoảng lần này. Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính do quân đội thực hiện vào năm 2006. Song, Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha khẳng định với báo giới rằng, lực lượng của ông không liên quan đến những gì đang diễn ra ở Thái Lan. “Đây là vấn đề chính trị và cần được giải quyết theo nghĩa chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi đang giám sát từ xa”, ông Prayuth Chan-ocha nói.

Điều đáng nói là niềm tin của người tiêu dùng Thái Lan đã và đang bị tổn hại do các cuộc biểu tình. Thêm vào đó, việc du khách hoãn hoặc hủy các tour và các thị trường xuất khẩu yếu ớt trên thế giới cũng tác động đến nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Tổng cộng đã có 5 người chết vì bạo lực kể từ cuối tuần qua, trong đó ngày 3-12 có một người chết do vết thương quá nặng. Bệnh viện Bangkok nói rằng, có 2 người biểu tình bị bắn và bị thương vào ngày 2-12 nhưng chưa rõ ai bắn họ.

Những người chống đối cựu Thủ tướng Thaksin có ảnh hưởng đáng kể đối với chính trị Thái Lan. Trong số họ có những người giàu, tướng lĩnh quân đội, phe bảo hoàng và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu thành thị ủng hộ Đảng Dân chủ.

THIÊN BÌNH


 

;
.
.
.
.
.