.

Huyền thoại Nelson Mandela

.

Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu nói rằng, cố Tổng thống Nelson Mandela là “món quà vô giá mà Thượng đế đã ban cho chúng ta”.

Ông Nelson Mandela cùng vợ - bà Winnie rời khỏi nhà tù Victor Verster, gần Cape Town vào ngày 11-2-1990, sau 27 năm ông bị giam giữ.  								Ảnh: Reuters
Ông Nelson Mandela cùng vợ - bà Winnie rời khỏi nhà tù Victor Verster, gần Cape Town vào ngày 11-2-1990, sau 27 năm ông bị giam giữ. Ảnh: Reuters

Khắp đất nước Nam Phi đang treo cờ rủ. Cả dân tộc Nam Phi khóc thương vị cựu Tổng thống đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 95. Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các cựu Tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton và G.W.Bush cùng Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ sang Nam Phi dự lễ tưởng niệm vào ngày 10-12. Lễ truy điệu dự kiến diễn ra tại sân vận động có sức chứa 94.000 người ở Johannesburg. Lễ an táng được tổ chức vào ngày 15-12 tại Qunu.

Hành trình dài đến tự do

Sau ngày nhà lãnh đạo kiệt xuất của Nam Phi Nelson Mandela qua đời, bộ phim Mandela, long walk to freedom (Mandela, hành trình dài đến tự do) chính thức được ra mắt trên toàn thế giới. Bộ phim dựa trên cuốn tự truyện cùng tên của Mandela được xuất bản lần đầu vào năm 1994, kể về cuộc đời của ông với “hành trình dài đến tự do”: 27 năm đấu tranh không ngừng nghỉ trong lao tù ở đảo Robben cũng như các nhà tù Pollsmoor, Victor Vester, và khi được bầu làm Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994.

Reuters cho biết, vợ cũ của ông là bà Winnie Madikizela Mandela xúc động nói rằng, khó có thể dùng từ ngữ để diễn tả “quá khứ đau đớn” được tái hiện trong phim. “Chúng ta cần nhớ chúng ta đã đến từ đâu. Sự tự do này rất khó khăn mới giành được và với một cái giá rất đắt”, bà Winnie nói.

Quả đúng như những gì bà Winnie mô tả, nhắc đến Mandela là nói đến “hành trình dài đến tự do”; tên tuổi của ông gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid và đưa đất nước Nam Phi trở thành quốc gia dân chủ đa chủng tộc.

Rolihlahla Mandela sinh ngày 18-7-1918 trong một gia đình đông con tại tỉnh Transkei. Mọi người trong bộ tộc Thembu gọi ông là Madiba. Còn Nelson là tên tiếng Anh mà cô giáo tiểu học đặt cho ông với hy vọng cuộc đời của cậu bé được sinh ra trên quê hương da màu sẽ tươi sáng. Mandela cũng là người đầu tiên trong gia đình được đi học và có lẽ nền tảng này là một trong những căn nguyên làm nên một con người vĩ đại.

Ngọn lửa đấu tranh chống sự kỳ thị chủng tộc đã bùng cháy trong Mandela từ khi ông là sinh viên. Chính vì tham gia hoạt động chống đối, ông bị đuổi khỏi trường. Năm 1943, ông tham gia Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Lấy cảm hứng từ Mahatma Gandhi - người anh hùng dân tộc của Ấn Độ, Mandela xác định đường lối đấu tranh bất bạo động. Ông đi khắp đất nước kêu gọi chống lại chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid và sự kỳ thị của người da trắng.

Tuy nhiên, chính sách đàn áp và bạo lực của chính quyền cho ông thấy sự phản kháng bất bạo động không mang lại hiệu quả. Ông chuyển sang đấu tranh vũ trang mặc dù vẫn xem đây là phương thức cuối cùng.

Năm 1958, Mandela bị bắt và bị kết tội phản quốc nhưng sau đó được tha bổng.

5 năm sau, ông cùng các cộng sự thuộc nhóm Ngọn giáo quốc gia (MK) bị bắt và đối mặt với án tử hình. Tại tòa, ông tuyên bố: “Tôi đã dành trọn đời mình đấu tranh cho người dân châu Phi. Tôi chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng và chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, nơi đó người người sống hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng mình sống để đạt được. Nhưng nếu cần, tôi sẵn sàng chết vì lý tưởng ấy”. Sự khẳng khái của Mandela cùng phát biểu này vẫn được nhắc đến mỗi khi nói về ông. “Tuyên ngôn” này cũng là bài phát biểu công khai cuối cùng của Mandela cho đến khi ông được trả tự do vào năm 1990.

Thay vì bị tử hình, Mandela được đưa đến nhà tù trên đảo Robben. Năm 1982, ông được chuyển đến nhà tù Pollsmoor trên đất liền, gần thủ đô Cape Town.

Người dân Nam Phi tưởng niệm cố Tổng thống Nelson Mandela với dòng chữ “Thank you” (cảm ơn) ở bên ngoài nhà riêng của ông tại Johannesburg.  Ảnh: THX
Người dân Nam Phi tưởng niệm cố Tổng thống Nelson Mandela với dòng chữ “Thank you” (cảm ơn) ở bên ngoài nhà riêng của ông tại Johannesburg. Ảnh: THX

Ngày 5-7-1989, người tù mang thẻ bài “N.Mandela 466/64” (tù nhân số 466, biệt xà lim năm 1964) được đưa đến Văn phòng Tổng thống thương lượng về sự trao trả tự do cho ông và quá trình chuyển đổi đất nước từ chủ nghĩa Aparthied sang chế độ dân chủ, với con đường đàm phán giữa chính phủ và ANC.

Ngày 2-2-1990, Tổng thống Frederik Willem de Klerk tuyên bố trả tự do cho Mandela. Ngày 13-2-1990, người tù nổi tiếng khắp thế giới trở về thị trấn Soweto trong sự chào đón của người dân nơi đây. Lúc đó, ông 72 tuổi.

Cuộc đấu tranh của Mandela không dừng lại, ông cùng vị Tổng thống da trắng hợp sức đưa Nam Phi ra khỏi nguy cơ bạo loạn vì khủng hoảng kinh tế do bị cấm vận và tranh đấu sắc tộc. Ngày 27-4-1994, Mandela trở thành người da màu đầu tiên đắc cử Tổng thống Nam Phi. Ông chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ. Song, nhiệm kỳ đó không rải đầy hoa hồng bởi ông phải giải quyết mâu thuẫn, sự chia rẽ sắc tộc, sự hận thù của cộng đồng thiểu số da trắng mất đi sự độc quyền chính trị nhưng vẫn còn kiểm soát nền kinh tế, quân đội. Tháng 7-1999, ông rời chính trường và về sống ở Transkei.

Hết lòng vì người nghèo

Bên cạnh những vấn đề về hòa bình dân tộc, di sản của Nelson Mandela còn là di sản của một nhà lãnh đạo hết lòng vì người nghèo. Khi làm Tổng thống, một trong những thách thức lớn với ông là cải cách kinh tế, chăm lo cho người nghèo - những người còn quá thiếu thốn về nhà ở, đồng thời xây dựng nền giáo dục.

Mandela đặc biệt đặt vấn đề hòa giải dân tộc lên hàng đầu. Hình ảnh của ông là biểu tượng của sự liêm chính, tính nhân văn và hòa bình. Vì vậy, ông được cả thế giới kính trọng, dành tặng hơn 250 giải thưởng trong hơn 4 thập niên; trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993, Huân chương Tự do Philadelphia do Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng năm 1993, Huân chương tự do - giải thưởng dân sự cao quý nhất của Mỹ - do Tổng thống G.W.Bush trao tặng vào năm 2000, v.v...

Mandela đồng thời nỗ lực khôi phục quan hệ với các nước thuộc khu vực Nam Phi, miền nam châu Phi và các nước thuộc các khu vực khác của châu Phi cũng như mở lại quan hệ với các nước trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nam Phi trở thành nền kinh tế mới nổi, là “con rồng” lớn nhất châu Phi.

Khi rời chính trường, tinh thần đấu tranh vì dân tộc và vì sự tiến bộ của thế giới trong Mandela vẫn không ngừng nghỉ. Ông tiếp tục công cuộc vì người nghèo, đặc biệt là vì trẻ em, thông qua các quỹ hỗ trợ mang tên mình. Ông cũng đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội vì quyền con người, trong đó phải kể đến phong trào “Biến đói nghèo thành dĩ vãng”.

Theo Wikipedia, nhiều nghệ sĩ đã viết nhạc về Mandela. Một trong những nhóm nổi tiếng nhất là The Specials thu âm bài hát Free Nelson Mandela vào năm 1983. Stevie Wonder viết bài hát đoạt giải Oscar mang tên I just called to say I love you cho Mandela. Năm 1985, album Nelson Mandela của Youssou N’Dour là bản phát hành đầu tiên tại Mỹ của ca sĩ người Senegal này.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.