.

Mỹ xoa dịu căng thẳng ở biển Hoa Đông

.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Quốc với mong muốn xoa dịu căng thẳng trên vùng biển Hoa Đông sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Ông Joe Biden (trái) đến Bắc Kinh vào ngày 4-12. Ảnh: AFP
Ông Joe Biden (trái) đến Bắc Kinh vào ngày 4-12. Ảnh: AFP

Ngày 4-12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thủ đô Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng cũng không thể bỏ rơi các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc - những quốc gia đang phản ứng tức giận với Trung Quốc xung quanh vấn đề ADIZ.

Theo lịch trình, ông Biden gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

AFP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, sứ mệnh của Phó Tổng thống Biden tại châu Á, được khởi đầu ở Nhật Bản và kết thúc ở Hàn Quốc, sẽ không dễ thành công. Thậm chí, báo chí Trung Quốc ngày 4-12 gay gắt nhận định: ông Biden không nên kỳ vọng vào bất kỳ sự tiến triển nào trong việc giảm căng thẳng trên vùng biển Hoa Đông nếu ông có “những nhận xét sai lầm và mang tính một chiều”.

Khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 3-12, Phó Tổng thống Biden nói rằng, ông sẽ đề cập quan ngại của Mỹ về ADIZ nhất là khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông”, ông Biden nói. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, động thái của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xảy ra “sự cố và những tính toán sai lầm”. Ông cũng kêu gọi cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh cho rằng, Bắc Kinh có khả năng lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, sau khi có động thái tương tự tại biển Hoa Đông.

Với những gì đang diễn ra, dẫu một quan chức Mỹ khẳng định vẫn có giải pháp để hai cường quốc - Mỹ và Trung Quốc - xây dựng mối quan hệ khác biệt trong thế kỷ 21, nhưng sự can thiệp của Washington vào căng thẳng ở Đông Bắc Á trong lúc này có thể vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh. Thực tế, cả Mỹ lẫn Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã cử các máy bay quân sự hoặc bán quân sự vào ADIZ, bất chấp các quy định mới của Bắc Kinh. Trong khi đó, Washington cũng tái khẳng định việc thực hiện hiệp ước an ninh với Nhật Bản, tức là đứng về phía Tokyo và bảo vệ xứ sở hoa anh đào.

Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc nên mở rộng hợp tác thiết thực và mang lại hiệu quả. Song, tờ Trung Quốc Nhật báo ngày 4-12 cảnh báo việc hậu thuẫn Nhật Bản sẽ hủy hoại uy tín của ông Biden tại Trung Quốc. “Dù nỗ lực thể hiện hình ảnh của một nhà trung gian hòa giải nhưng Washington rõ ràng đứng về phía Nhật Bản”, tờ báo này viết.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban châu Á ở Thượng viện Mỹ, cho rằng Trung Quốc không tin các dự định của Washington. Vì vậy, sự hiện diện và những lập luận của ông Biden ở Trung Quốc sẽ không làm thay đổi ADIZ. Căng thẳng ở khu vực biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm gia tăng quan ngại sự cố trên không có thể xảy ra và vượt tầm kiểm soát. Hơn nữa, theo CNN, vấn đề đặt ra là Trung Quốc đang sẵn sàng theo đuổi các lợi ích của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chống lại các ảnh hưởng của Mỹ như thế nào. Trung Quốc cho biết, đến nay đã có hơn 30 hãng hàng không của 10 nước đệ trình kế hoạch bay cho Bắc Kinh khi bay qua ADIZ. Tạp chí quốc phòng Kanwa cũng cho biết, Trung Quốc đã điều 24 máy bay tiêm kích-ném bom JH-7A tới căn cứ không quân Weifang ở tỉnh Sơn Đông, sát Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Trong lúc đó, Nhật Bản chính thức thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) nhằm đối phó với các thách thức an ninh. Việc thành lập NSC được xem là bước đệm để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tăng cường khả năng phòng thủ của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đồng thời củng cố vai trò của nhà lãnh đạo này trong việc xây dựng các chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Hôm nay (5-12), ông Biden sẽ đến Hàn Quốc để gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.