(ĐNĐT) - Ngày 5-12, anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nam Phi, Nelson Mandela đã qua đời tại nhà riêng ở tuổi 95, sau nhiều tháng chống chọi với bệnh viêm phổi, để lại cho đất nước ông và thế giới một niềm tiếc thương.
Nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thành viên của Đại hội Dân tộc Phi (ANC),Nelson Mandela và phu nhân (giữa) giơ nắm đấm lúc ông được trả tự do tại Nhà tù Victor Verster, ngày 11-1-1990 tại Paarl. Ảnh: AFP |
Cựu Tổng thống Nam Phi, người từng nhận giải Nobel Hòa bình, đã đấu tranh trong gần một năm với căn bệnh được cho là xuất phát từ 27 năm ông trải qua trong nhà tù của chế độ apartheid, trong đó có nhà tù khét tiếng Robben Islad.
Mặc dù đã được chờ đợi lâu nay, nhưng người dân Nam Phi cũng đã rúng động khi Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma tuyên bố Mandela đã ra đi vào tối thứ Năm (5-12). Đường phố Pretoria và Johannesberg trở nên nín lặng, các quán bar, hộp đêm, âm nhạc đã im bặt khi người dân tụ tập lại để nói về sự ra đi của ông.
Tổng thống Zuma thông báo với cả nước Nam Phi trên truyền hình rằng: “Mandela đã yên nghỉ trong vòng tay của gia đình lúc 20 giờ 50 ngày 5-12 năm 2013”.
“Giờ đây ông thực sự yên nghỉ. Ông thật sự sống trong hòa bình”, Tổng thống Zuma phát biểu.
Khi nghe tin này, Tổng thống Mỹ, Barack Obama nói rằng, thế giới đã mất đi một trong những con người có tầm ảnh hưởng, lòng dũng cảm, chí thiện mà bất kỳ người nào trong chúng ta được chứng kiến trong thời đại này, trên thế giới này”.
Thủ tướng Anh, David Cameron đã gọi Mandela là “một anh hùng của thời đại”. “Một ánh sáng vĩ đại đã tắt trên thế giới”, ông Cameron nói.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Zuma đã ra lệnh treo cờ rủ và lễ tang quốc gia sẽ được long trọng tổ chức đối với vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, người từng vươn lên từ 27 năm ngục tù dưới chế độ phân biệt chủng tộc, giúp lèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Phi vượt qua cuộc tắm máu và hỗn loạn để tới được nền dân chủ.