(ĐNĐT) - Sáng 15-12 theo giờ địa phương, lễ an táng Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela đã được tổ chức tại quê nhà Qunu, nơi ông sinh trưởng.
Ảnh chụp từ Truyền hình Nam Phi, Phó Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa phát biểu trong lễ tang tại Qunu, quê hương của cố Tổng thống Nelson Mandela ngày 15-12. Ảnh: AFP |
95 ngọn nến đã thắp sáng nơi đặt linh cửu được phủ cờ Nam Phi của Mandela để đánh dấu mỗi năm trong cuộc đời của ông, khi hàng ngàn người đến chào vĩnh biệt ông ở Qunu, làng quê nơi ông sinh ra. Chính giữa sân khấu, đặt một bức chân dung ông đang cười cỡ lớn.
Mandela đã qua đời ở tuổi 95 vào hôm 5-12 sau khi ông tái phát bệnh viêm phổi và suy yếu.
Lễ an táng Mandela bắt đầu bằng quốc ca Nam Phi, bài “Nkosi Sikelel’ iAfrika” (Chúa phù hộ châu Phi). Buổi lễ được truyền hình trên khắp thế giới.
Ngày hôm qua, 14-12, lĩnh cửu của ông đã được chuyên chở về quê hương ở tỉnh Eastern Cape, cách thủ đô Johannesburg 900 km. Bà Maki Mandela, con gái của ông cho biết: “Ông ấy thực sự tin rằng, đây là nơi ông ấy thuộc về”.
Mandela bị giam cầm trong 27 năm vì đã đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vốn đã thống trị Nam Phi trong nhiều thập niên. Ông được phóng thích vào năm 1990 và trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi 4 năm sau đó, thúc đẩy một thời kỳ tha thứ và hàn gắn trên đất nước này.
Người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, Mandela đã được vinh danh theo nghi thức hỗn hợp giữa nghi thức long trọng của quân đội và những lễ nghi truyền thống của thị tộc Xhosa abThemu của ông.
Tham dự lễ tang gồm 4.500 khách gồm người thân, lãnh đạo Nam Phi, cho tới Thái tử Charrles của nước Anh, nhà hoạt động nhân quyền Reverend Jesse Jackson và người dẫn chương trình nổi tiếng, Oprah Winfrey.
Phó Chủ tịch Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi, Cyril Ramaphosa phát biểu rằng: “Người đang nằm đây là người con vĩ đại nhất của Nam Phi”.
Theo truyền thống, Mandela sẽ được an táng vào giữa trưa, khi mặt trời lên cao nhất và sẽ khép lại chương cuối cùng của một biểu tượng xuất chúng trong thời hiện đại, người mà lòng quả cảm và sự kiên cường của mình đã đưa ông trở thành một biểu tượng toàn cầu của sự tự do và niềm hy vọng.
Lễ tang cũng kết thúc 10 ngày quốc tang của Nam Phi mà trong đó, hàng trăm ngàn người đã bất chấp mưa gió, nóng nực để đến chia buồn, tưởng nhớ và vinh danh cuộc đời của vị lãnh tụ da màu đầu tiên do họ bầu ra.
Quang Hiển (Theo Reuters, CNN, CNA)