Tân Hoa xã ngày 2-12 cho biết, Nga đã triển khai nhiều biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, phù hợp với Nghị quyết số 2094 được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua vào hồi tháng 3 năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Rurv. |
Dẫn thông báo của Điện Kremlin, hãng thông tấn Trung Quốc cho hay, sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký. Trong đó cấm các công dân, tổ chức và doanh nghiệp của Nga trao đổi hàng hóa với Triều Tiên, hay tiến hành giao dịch tài chính có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Chưa hết, các tàu thuyền của Triều Tiên nếu như từ chối hoạt động kiểm tra sẽ không được phép cập cảng vào Nga. Ngoài ra, Chính phủ Nga sẽ cảnh giác trong liên lạc với các nhà ngoại giao đến từ Triều Tiên. Các ngân hàng của Triều Tiên cũng bị cấm hoạt động tại Nga hoặc liên doanh với những thể chế tài chính khác của Nga.
Cũng căn cứ vào sắc lệnh này, Nga sẽ bắt đầu giám sát hàng hoá ký gửi có nguồn gốc từ Triều Tiên hay bị nghi ngờ có chứa hàng hóa bị cấm. Nga sẽ khôi phục quyền ngăn chặn bất cứ máy bay nào cất cánh, hạ cánh hoặc quá cảnh trong không phận của Nga nếu như Nga có những thông tin máy bay đó vận chuyển hàng hóa cấm.
Trước đó, vào ngày 5-3 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định rằng, Moscow sẵn sàng ủng hộ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an áp đặt trừng phạt với Triều Tiên do Bình Nhưỡng thử hạt nhân thứ ba, nếu văn kiện tập trung vào những chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này.
Tiếp đến, tới ngày 7-3, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết tăng cường biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Nghị quyết số 2094 buộc các nước và cá nhân ngừng toàn bộ giao dịch tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa hay xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên, tăng cường giám sát các nhà ngoại giao Triều Tiên.
Nghị quyết cũng yêu cầu quốc tế kiểm soát tàu thuyền và máy bay của Triều Tiên, nếu thấy nghi ngờ chuyên chở hàng hóa bị cấm, bao gồm cả các loại hàng hóa xa xỉ, đồng thời nhấn mạnh các nước trong Liên hiệp quốc phải từ chối không cho đi qua không phận của mình các máy bay nghi ngờ chở vật liệu cấm cho Triều Tiên.
So với các nghị quyết trước của Hội đồng Bảo an, nghị quyết 2094 được xem là mở rộng trừng phạt với mức độ nặng hơn, bao gồm cả thương mại, tài chính, vận chuyển, ngoại giao. Theo quan chức Mỹ Susan Rice, nghị quyết 2094 đã đẩy lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên lên một mức độ cao nhất từ trước tới nay.
VnEconomy