(ĐNĐT) - Hôm 16-12, Nga tiết lộ rằng lực lượng vũ trang nước này đã chuyển tên lửa Iskander, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tiến gần khu vực biên giới châu Âu (EU), nhằm đáp lại việc Mỹ triển khai lá chắn phòng không gây tranh cãi.
Hệ thống tên lửa chiến thuật hạt nhân Iskander của Nga. |
Phiên bản tiên tiến của tên lửa Nga có tầm bắn 500 km và có khả năng được sử dụng để đối phó với hệ thống radar và tên lửa đánh chặn của NATO.
Động thái trên khiến Mỹ và các quốc gia lân cận với Nga như Ba Lan lên tiếng lo ngại. “Chúng tôi đã yêu cầu Nga không có các bước đi làm mất ổn định khu vực”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Marie Harf cho biết và thêm rằng, Washington đã thông báo với Moscow mối lo ngại từ các nước láng giềng .
Bộ Ngoại giao Ba Lan gọi đây là hành động “đáng lo ngại”: “Đây là một vấn đề đối với NATO, chúng ta nên tham khảo ý kiến và hành động phù hợp ở cấp NATO và EU”.
Các nước Estonia, Lithuania và Latvia gọi những tin tức trên là “đáng báo động”. Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, Artis Pabriks cho biết: “Rõ ràng đây là tin đáng báo động vì nó sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực của chúng ta. Một số thành phố khu vực Baltic sẽ bị đe dọa bởi hành động này”.
Theo tờ Bild của Đức, Nga đã triển khai khoảng 10 hệ thống tên lửa Iskander tại Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Hãng thông tấn Nga dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết: “Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander đã được ủy quyền cho lực lượng pháo binh và tên lửa thuộc khu vực quân sự phía Tây”.
Ông Igor Konashenkov nói thêm rằng, việc triển khai tên lửa của Nga “không vi phạm bất kỳ hiệp định hoặc thỏa thuận quốc tế nào”.
Trong năm 2011, Điện Kremlin đã cảnh báo, nước này có thể điều động tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung dọc biên giới phía đông của EU để đáp trả chương trình phòng thủ tên lửa của NATO.
Moscow lo ngại hệ thống phòng không của NATO, có thành phần bao gồm các vệ tinh định vị tên lửa, có thể được chuyển thành vũ khí tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Lê Na (AFP)