Kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong 5 năm tới được chính phủ Nhật Bản công bố vào ngày 17-12, trong lúc quốc gia này đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với các đối tác châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Máy bay F-15 của Nhật Bản tham gia chương trình huấn luyện ngày 27-10 vừa qua. Ảnh: AFP |
Theo đó, trong 5 năm tới (2014-2019), Nhật Bản sẽ mua thêm nhiều máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tàu ngầm. Quân đội nước này cũng sẽ thành lập một đơn vị mới có khả năng đánh chiếm lại đảo. Cụ thể, Nhật Bản sẽ mua thêm 3 máy bay do thám (Global Hawk), 52 xe lội nước, 17 trực thăng Osprey, 5 tàu khu trục - trong đó có 2 tàu được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis và 28 máy bay chiến đấu F-35A mới.
24.700 tỷ yen
AFP cho biết, chiến lược quốc phòng của Nhật Bản có trị giá 24.700 tỷ yen (240 tỷ USD), tăng từ con số 23.500 tỷ yen của kế hoạch 5 năm trước (tính đến tháng 4-2014). Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Thủ tướng Shinzo Abe muốn nước ông có vai trò quân sự lớn hơn trong lúc xảy ra tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Ưu tiên của Thủ tướng Abe vẫn là làm sống lại nền kinh tế từng ở vị trí thứ hai thế giới. Song, nhà lãnh đạo này cũng cam kết thúc đẩy quân sự để đối phó với những gì mà ông gọi là mối đe dọa từ việc gia tăng lực lượng và những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nhất là sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Chiến lược an ninh của Nhật Bản nêu rõ: “Trung Quốc đang tìm cách dùng vũ lực thay đổi hiện trạng không phận, hàng hải ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như các khu vực khác, dựa trên khẳng định của riêng mình, không phù hợp với trật tự quốc tế vốn đã được thiết lập”. Chiến lược quốc phòng của chính phủ Tokyo cũng nhìn nhận: “Thái độ của Trung Quốc đối với các nước, những động thái quân sự của nước này, cộng với sự thiếu minh bạch về những chính sách an ninh, quân sự đang là mối quan ngại lớn không chỉ của Nhật Bản mà còn của cả cộng đồng quốc tế”.
Rõ ràng và minh bạch
Thủ tướng Abe nhấn mạnh, việc thông qua chiến lược quốc phòng sẽ làm chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật “rõ ràng và minh bạch - để cả người dân Nhật và cộng đồng quốc tế biết”. Thực tế, trong 10 năm qua, chi tiêu quân sự của Nhật Bản giảm cho đến khi ông Abe tăng ngân sách quốc phòng 0,8% trong năm nay. Nay Bộ Quốc phòng đang tìm kiếm mức tăng 3% trong năm tài khóa tới, bắt đầu từ tháng 4-2014 và cũng sẽ là mức tăng lớn nhất trong 22 năm.
Chiến lược an ninh quốc gia của Thủ tướng Abe kêu gọi Nhật Bản không chỉ nâng cấp hợp tác với Mỹ và còn mở rộng mối quan hệ với các đối tác chiến lược khác như Hàn Quốc, Úc, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Đặc biệt, cuối tuần qua, ông Abe và các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo, bàn về tự do hàng hải và không phận, trong khi vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á vẫn đang “nóng”.
Theo các nhà quan sát, chiến lược mới của Nhật Bản chắc chắn làm Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh trước đó chỉ trích dự thảo chiến lược này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng cho biết, Bắc Kinh đang giám sát chặt chẽ chiến lược an ninh và hướng chính sách của Nhật. Người phát ngôn này cũng cho rằng, sự chỉ trích không phù hợp của Nhật Bản đối với “các hoạt động hàng hải bình thường của Trung Quốc và thổi phồng mối đe dọa của Trung Quốc” có ẩn các động cơ chính trị.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe bày tỏ hy vọng Nhật Bản có thể gia tăng đóng góp cho hòa bình, sự ổn định của cộng đồng quốc tế bằng các chính sách ngoại giao và quốc phòng minh bạch.
PHÚC NGUYÊN