.

Nhật tăng ngân sách kỷ lục

.

Lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua Chính phủ Nhật Bản không đề cập từ “lạm phát” trong báo cáo kế hoạch ngân sách, thay vào đó là cụm từ “nền kinh tế đang trên đà phục hồi với tốc độ khiêm tốn”.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe dự đoán GDP tăng 1,4% trong năm tài khóa mới. Trong ảnh: Một góc phố Nhật BảnẢnh: AFP
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe dự đoán GDP tăng 1,4% trong năm tài khóa mới. Trong ảnh: Một góc phố Nhật BảnẢnh: AFP

Ngày 24-12, Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2014 trị giá 95.880 tỷ yên (922 tỷ USD), tăng từ con số 92.610 tỷ yen so với năm tài khóa trước đó. Đây là khoản chi ngân sách kỷ lục và là lần duyệt chi thứ hai của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông trở lại nắm quyền.

Đi kèm với dự chi ngân sách là việc tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% từ ngày 1-4-2014, để từ đó thực hiện tăng ngân sách quốc phòng và thúc đẩy một ngân sách cân bằng. Việc tăng thuế tiêu thụ vốn gây nhiều tranh cãi nhưng lại là một trong những tiền đề của việc “mạnh tay” chi cho ngân sách lần này. Lần tăng thứ 2, thuế tiêu thụ dự kiến được nâng lên 10% từ tháng 10-2015. Các nhà phân tích cho rằng, ngân sách cho năm tài khóa mới đánh dấu quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện nền kinh tế vốn trì trệ hàng thập niên, kiềm chế nợ công đang cao gấp 2 lần kích thước của nền kinh tế Nhật Bản. Một chính sách tài khóa linh hoạt cùng với kích thích tăng trưởng kinh tế là hướng đi của ông Abe. Bởi lẽ, chính sự trì trệ kéo dài đã khiến đất nước hoa anh đào này tụt mất vị trí nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới vào năm 2010.

Theo AFP, việc chi cho chính sách của Nhật Bản còn có các khoản dùng cho những dự án công cộng và chương trình an sinh xã hội nhưng không bao gồm chi phí trả nợ… Chính phủ cũng dự đoán GDP sẽ tăng 1,4% trong năm tài khóa mới, ít hơn so với ước tính 2,6% của năm nay.

Trong báo cáo, lần đầu tiên kể từ tháng 11-2009, Chính phủ Nhật không nhắc đến từ “lạm phát”, một tín hiệu vui cho chính sách “Abenomics”. “Abenomics” được xem là liều thuốc mạnh mẽ cho một đất nước đang có dân số già hóa mặc dù thực hiện được nó quả là điều không dễ dàng.

Tuy nhiên, không nhắc đến lạm phát không có nghĩa là lạm phát đang ở mức an toàn. Năm 2001, Nhật Bản thường xuyên dùng từ “lạm phát” trong báo cáo hằng tháng. Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ rằng, hiện còn quá sớm để khẳng định lạm phát đã bị đánh lùi. Trong khi đó, nợ công được cho là vẫn tiếp tục tăng nhưng ở tốc độ chậm hơn.

Đặc biệt, trong ngân sách mới, chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2014 cũng tăng 2,8% so với năm tài khóa 2013. Theo đó, khoản ngân sách quốc phòng sẽ ở mức 4.884 tỷ yen, tăng 131 tỷ yen so với ngân sách ban đầu cho năm tài khóa hiện nay (kéo dài đến hết tháng 3-2014). Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera xác nhận thông tin này và cho biết, đây là lần tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong 20 năm qua.

Theo AFP, Nhật Bản sẽ chú trọng việc tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Cụ thể, Tokyo sẽ mua các máy bay do thám không người lái, thành lập một đơn vị đổ bộ để thúc đẩy việc giành lại quyền kiểm soát các đảo đang tranh chấp với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập “vùng nhận dạng phòng không” trên vùng biển Hoa Đông.

Trước năm 2012, ngân sách quân sự của Nhật Bản sụt giảm trong một thập niên, trái với sự gia tăng ngân sách quân sự của Trung Quốc.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.