Một số thành viên đảng Pheu Thai cầm quyền tỏ ra ủng hộ quân đội đảo chính hơn là nhìn “tương lai đất nước” rơi vào phe biểu tình chống đối.
Ngày 27-12, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, hối thúc 2 bên trong cuộc tranh cãi chính trị kiềm chế. Nhưng lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra hồi tháng trước, ông này không loại trừ khả năng đảo chính. “Quân đội không đóng hay mở cửa đối với đảo chính. Còn tùy thuộc vào tình hình. Lúc này chúng tôi vẫn trung lập và không xen vào việc của chính quyền” - ông trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng quân đội can thiệp và cho biết thêm quân đội đã phát “tín hiệu đèn đỏ đối với cả 2 bên để mọi chuyện lắng xuống”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul thừa nhận một số thành viên đảng Pheu Thai cầm quyền tỏ ra ủng hộ quân đội đảo chính hơn là nhìn “tương lai đất nước rơi vào tay những kẻ không biết ở đâu ra” - ám chỉ người biểu tình chống chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông Suthep Thaugsuban.
Khoảng 3.000 người chống đối tụ tập bên ngoài tư dinh của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 26-12. Ảnh: THE BANGKOK POST |
Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ yêu cầu quân đội bảo vệ các ứng cử viên và cử tri trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 2-2-2014. Tổng cộng 45 đảng đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia bầu cử cho Ủy ban Bầu cử (EC). Ngày 28-12 sẽ bắt đầu đăng ký khu vực bầu cử cho các ứng viên song EC không đề nghị tăng cường cảnh sát, theo tướng Worapong Chewpreecha - Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia.
Lời kêu gọi quân đội giúp đỡ cho thấy Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử mà Đảng Pheu Thai được dự báo chắc thắng. Chính phủ của bà Yingluck cũng bác đề nghị hoãn bầu cử của EC cho đến khi các bên tìm được tiếng nói chung. Ông Varathep Ratanakorn, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng kiêm Thứ trưởng Nông nghiệp, nhấn mạnh hoãn bầu cử sẽ góp phần làm gia tăng bạo động và hỗn loạn. Còn Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana phát biểu trên truyền hình: “Sau khi giải tán quốc hội, một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Không có luật nào cho phép chính phủ trì hoãn bầu cử”.
Thông tin trên được đưa ra sau các vụ đụng độ giữa cảnh sát và phe chống đối hôm 26-12, làm 2 người chết và 153 người bị thương, trong đó có 39 cảnh sát. Khoảng 500 người chống đối, một số mang dao và súng cao su, được coi là thủ phạm gây ra bạo loạn.
Trong một diễn biến liên quan, bà Yingluck tuyên bố không tham gia cuộc tranh luận cá nhân với ông Suthep mà kêu gọi ông này cùng các bên liên quan phát biểu ý kiến về Hội đồng Cải cách quốc gia (NRC) do bà đề xuất. Trước đó, ông Suthep thách thức Thủ tướng Yingluck tranh luận để so sánh giữa NRC và “hội đồng của nhân dân” theo ý tưởng của ông.
NLĐ