.

Thế giới tưởng nhớ huyền thoại Mandela

.

Các nhà lãnh đạo thế giới cùng hàng ngàn người dân Nam Phi tham dự tang lễ của cố Tổng thống Nelson Mandela tại Soweto ngày 10-12.

Người dân Nam Phi tập trung ở sân vận động và hát vang khi bắt đầu lễ tưởng niệm. Ảnh: New York Times
Người dân Nam Phi tập trung ở sân vận động và hát vang khi bắt đầu lễ tưởng niệm. Ảnh: New York Times

Reuters cho rằng, với sự hiện diện của gần 100 nhà lãnh đạo thế giới như: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều…, tang lễ của cố Tổng thống Nelson Mandela đưa những kẻ thù về phương diện chính trị lẫn sắc tộc xích lại gần nhau. Mọi người cùng nhau hội tụ về sân vận động FNB có sức chứa 95.000 người ở Soweto, thị trấn của Johannesburg, để tưởng nhớ người được xem là biểu tượng của hòa bình, sự vẹn toàn và sự bao dung, sau khi ông qua đời ở tuổi 95 vào đêm 5-12. “Ông (Nelson Mandela) đang đưa mọi người từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ những khác biệt về quan điểm, niềm tin chính trị, tôn giáo đến gần nhau”, Zelda la Grange, trợ lý của ông Mandela nói.

Máy bay của Tổng thống Barack Obama đưa ông và đệ nhất phu nhân Michelle cùng cựu Tổng thống G.W.Bush và phu nhân Laura hạ cánh xuống căn cứ không quân Waterkloof. Trong lúc đó, người dân Nam Phi cũng đội mưa kéo về sân vận động.  

Theo Reuters, mặc dù trời mưa nhưng không khí tại sân vận động FNB vẫn sôi nổi. Người dân Nam Phi tưởng niệm cố Tổng thống bằng hình thức nhảy múa, thổi kèn vuvuzela và hát những bài ca ngợi cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Beauty Pule (51 tuổi), một người dân Nam Phi, nói rằng cố Tổng thống Nelson Mandela là niềm tự hào của đất nước này. Kể từ khi ông Mandela qua đời, thành phố Johannesburg luôn bao phủ mây mù và mưa trái mùa. Theo quan niệm ở Nam Phi, đây là dấu hiệu một nhà lãnh đạo được tổ tiên chào đón qua thế giới bên kia.

Ban đầu, các quan chức Nam Phi thông báo Tổng thống Iran Hassan Rowhani có mặt trong dòng người đưa tiễn ông Mandela. Điều này khiến các nhà phân tích dự đoán sẽ có cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Tehran với Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, tên ông Rowhani sau đó không có trong danh sách những người tham dự. Ngoài ra, không chỉ cựu Tổng thống G.W.Bush đến Nam Phi mà hai cựu Tổng thống Mỹ khác: Jimmy Carter và Bill Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng có mặt để tiễn biệt huyền thoại Nelson Mandela.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đệ nhất phu nhân Michelle được một quan chức Nam Phi chào đón khi đến căn cứ không quân Waterkloof. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đệ nhất phu nhân Michelle được một quan chức Nam Phi chào đón khi đến căn cứ không quân Waterkloof. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các ngôi sao, những người nổi tiếng trong làng giải trí như: nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, các ca sĩ Peter Gabriel và Bono, siêu mẫu Naomi Campbell và cả tỷ phú Richard Branson - người sáng lập Tập đoàn Virgin.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, người dân Nam Phi và toàn thế giới mất đi một người anh hùng. “Di sản của ông (Nelson Madela) rất sâu sắc, bất tử và sẽ tiếp tục dẫn đường cho công việc của LHQ”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Cũng tại lễ tưởng niệm (giờ địa phương), Tổng thống đương nhiệm của Nam Phi Jacob Zuma có bài phát biểu quan trọng. Ông hy vọng sự xúc động, niềm tiếc thương của dân chúng khi nhà lãnh đạo kiệt xuất qua đời có thể làm chiếc phao cho chính phủ của Đảng Đại hội Dân tộc Phi, trong lúc đảng này đối mặt với những cuộc biểu tình chống lại tình trạng nghèo đói kéo dài, tội phạm và thất nghiệp gia tăng, khi chỉ còn 6 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Reuters cho rằng, tang lễ của ông Mandela sẽ thu hút sự chú ý của người dân Nam Phi, thay vì tập trung vào những scandal tham nhũng vốn gây bất lợi cho Tổng thống Zuma và chính phủ của ông.

Ngày 10-12 cũng đánh dấu 20 năm ngày ông Mandela và Tổng thống cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, F.W. de Klerk, nhận giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực mang lại hòa bình cho quốc gia thuộc “lục địa đen”.

Lễ an táng ông Mandela sẽ được tổ chức tại quê nhà Qunu vào ngày 15-12.  

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.