.

Thủ tướng Thái Lan muốn lập hội đồng cải cách

.

Đề xuất thành lập hội đồng cải cách của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được đưa ra vào ngày 25-12 nhằm xoa dịu phản ứng của những người biểu tình chống chính phủ.

Những người biểu tình xung đột với cảnh sát tại một sân vận động ở Bangkok ngày 25-12. 					 	                Ảnh: AP
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát tại một sân vận động ở Bangkok ngày 25-12. Ảnh: AP

Theo Reuters, với việc đề xuất thành lập hội đồng cải cách, Thủ tướng Yingluck Shinawatra tự vạch ra con đường đi của mình: hòa giải với các đối thủ - những người đang muốn lật đổ bà và phá vỡ bầu cử dự kiến diễn ra ngày 2-2-2014.

Bà Yingluck nói rằng, chính phủ sẽ đề nghị các đảng phái chính trị thành lập hội đồng cải cách sau cuộc tổng tuyển cử. Theo đó, hội đồng cải cách không bao gồm cơ quan chính phủ mà 499 thành viên do một ủy ban độc lập bổ nhiệm, bao gồm tư lệnh lực lượng quân đội, các lãnh đạo doanh nghiệp, học giả và những nhà kinh tế học. 499 thành viên này được lựa chọn từ một nhóm 2.000 người nhằm kiểm tra việc cải cách hệ thống chính trị của Thái Lan.

Hội đồng cải cách đảm nhận nhiệm vụ sửa đổi hiến pháp, chống tham nhũng, đồng thời bảo đảm việc cải cách bầu cử. “Chính phủ mới phải thành lập hội đồng cải cách như một nghị trình của quốc gia. Chính phủ bảo đảm cải cách có thể tiến hành cùng với cuộc bầu cử”, nữ Thủ tướng 46 tuổi nói.

Phát biểu trên truyền hình, bà Yingluck đồng thời nhấn mạnh hội đồng cải cách không phải là cơ quan của chính phủ nên sẽ không chịu sự can thiệp của chính phủ. Tuy nhiên, AP dẫn lời ông Akanat Promphan, phát ngôn viên của những người biểu tình, nói rằng bất kỳ đề xuất nào cho phép bà Yingluck tiếp tục nắm quyền và tiến hành bầu cử đều không được chấp nhận. Trong cuộc bầu cử sắp tới, chiến thắng được dự báo sẽ thuộc về đảng Puea Thai của bà Yingluck. Vì vậy, ông Promphan chỉ trích rằng, hội đồng cải cách - theo đề xuất - sẽ chịu ảnh hưởng của Thủ tướng Yingluck. “Chắc chắn bà ta (Thủ tướng Yingluck) sẽ can thiệp vào hội đồng cải cách”, ông Promphan nói. Còn một lãnh đạo của phe biểu tình, ông Tavorn Seniem, cũng chỉ trích đề xuất của bà Yingluck. Ông nói rằng, hội đồng này sẽ làm việc để mang lại lợi ích cho chính phủ, chứ không cho tất cả người dân Thái Lan.

Reuters cho biết, hội đồng cải cách trông tương tự “hội đồng nhân dân” - theo đề xuất của lãnh đạo phe biểu tình - cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban. Song, có một khác biệt quan trọng: hội đồng cải cách hoạt động cùng với một chính phủ được bầu, còn “hội đồng nhân dân” hoạt động cùng với một nhà lãnh đạo được chỉ định. Thủ tướng Yingluck khẳng định: “Chính phủ mới sẽ thực thi những gì mà hội đồng quyết định trong việc cải cách đất nước”.

Ngày 25-12, Thái Lan gia hạn luật an ninh đặc biệt thêm 60 ngày để đối phó với các cuộc biểu tình quy mô lớn. Luật an ninh đặc biệt có tên gọi là Luật An ninh nội địa và được mở rộng từ tháng 11 trước đối với thành phố Bangkok cùng các khu vực lân cận. Hiện tại, những người biểu tình chống chính phủ vẫn xuống đường với quyết tâm lật đổ bà Yingluck Shinawatra. Trong nhiều tuần xảy ra bất ổn, các cuộc biểu tình đã làm 5 người chết và hơn 200 người khác bị thương.

Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan Yutthasak Sasiprapa nói rằng, chính phủ cần luật an ninh đặc biệt để giám sát hòa bình và trật tự bởi vẫn còn biểu tình.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.