.

Thủ tướng Thái Lan quyết không từ chức

.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định việc những người biểu tình yêu cầu bà từ chức là điều không thể chấp nhận được.

Cảnh sát phải dùng hơi cay, súng nước, đạn cao su để chống lại những người biểu tình.  Ảnh: AFP
Cảnh sát phải dùng hơi cay, súng nước, đạn cao su để chống lại những người biểu tình. Ảnh: AFP

Bất chấp dòng người tiếp tục tràn xuống đường phố Bangkok ngày 2-12, ngày thứ hai diễn ra biểu tình leo thang bên ngoài tòa nhà chính phủ, Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn tuyên bố không từ chức.

Phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình, bà Yingluck nói rằng, căn cứ theo Hiến pháp thì yêu cầu của phe đối lập là điều không thể; yêu cầu giải tán Quốc hội và thành lập hội đồng nhân dân là vi hiến. Song, nhà lãnh đạo 46 tuổi này vẫn mở cánh cửa đối thoại để tìm một giải pháp hòa bình. “Những gì tôi có thể làm để mọi người hạnh phúc thì tôi sẵn sàng làm; nhưng với vai trò Thủ tướng, những gì tôi có thể làm phải tuân thủ Hiến pháp”, bà Yingluck nói.

“Tối hậu thư”

Reuters cho biết, cảnh sát tiếp tục dùng hơi cay, súng nước, đạn cao su, cả lựu đạn gây choáng để ngăn cản khoảng 2.000 người tập trung gần rào chắn do các nhà chức trách dựng và tìm cách tiến vào tòa nhà chính phủ. Cựu Phó Thủ tướng và cũng là lãnh đạo phe biểu tình, ông Suthep Thaugsuban, muốn bà Yingluck từ chức, đồng thời hội đồng nhân dân sẽ chọn một Thủ tướng mới. Bởi lẽ, ông Suthep cáo buộc chính phủ đương nhiệm bị anh của bà Yingluck kiểm soát - tức cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Suthep cũng bác bỏ việc tổ chức đàm phán nhằm kết thúc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau các cuộc biểu tình đẫm máu vào năm 2010 với hơn 90 người chết.

Trong cuộc biểu tình làm dậy sóng chính trường Thái Lan lần này, ông Suthep trở thành nhân vật chính đối đầu với chính phủ. Cựu Phó Thủ tướng 64 tuổi dưới thời Đảng Dân chủ nắm quyền đưa ra “tối hậu thư” là hạn chót vào hôm nay (3-12), bà Yingluck phải từ chức và xem đây là giải pháp duy nhất để kết thúc biểu tình. Lãnh đạo phe đối lập cũng lặp lại lời kêu gọi tổng đình công. “Hãy ngừng làm việc cho chế độ Thaksin và tiến hành biểu tình”, ông Suthep nói. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người tham gia đình công, nhưng chính phủ thúc giục người dân ở Bangkok - thành phố có 10 triệu người - ở lại trong nhà từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Suthep đang thúc đẩy bạo lực gia tăng trên đường phố nhằm tạo ra một cuộc đảo chính quân sự. Mục đích của ông là lật đổ bằng được bà Yingluck trước ngày 4-12.

Ở một đất nước có đến 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính kể từ năm 1932 đến nay, mới nhất là vụ lật đổ ông Thaksin vào năm 2006, người dân không xa lạ gì với những sự kiện như vậy. Hiện tại, bà Yingluck nói rằng, quân đội vẫn giữ thế trung lập. Song, Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha lại thúc giục cảnh sát không dùng vũ lực chống lại những người biểu tình.

Lo ngại bất ổn gia tăng

LHQ đã đóng cửa văn phòng chính của mình ở Bangkok. Hàng chục trường học cũng được đóng cửa. Nhiều nhân viên nghỉ làm việc trong ngày 2-12 sau khi có 3 người chết và 127 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình. Trong một tuyên bố gửi qua email cho các nhân viên, cơ quan an ninh LHQ lo ngại bạo lực có thể leo thang hơn nữa.

Tân Hoa xã cho hay, tổng cộng 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đều khuyến cáo người dân về việc du lịch đến Thái Lan. Đại sứ quán Pháp đưa ra cảnh báo đối với các chính phủ nước ngoài, kêu gọi người dân ở trong nhà để tránh các cuộc xung đột trên đường phố Bangkok. Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok khuyến cáo công dân nước mình không nên đến các khu vực biểu tình để tránh bị tổn thương.

Theo AP, biểu tình đã và đang làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn chính trị ở một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra ngay trước mùa du lịch cao điểm nên sẽ làm tổn hại đến kinh tế của Thái Lan.

Hầu hết những người biểu tình thuộc tầng lớp trung lưu, ủng hộ Đảng Dân chủ đối lập trong việc lật đổ Thủ tướng Yingluck. Họ cáo buộc bà là con rối của anh trai - cựu Thủ tướng Thaksin.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.