(ĐNĐT) - Hôm nay (2-12), Thủ tướng Thái Lan, Yingluck Shinawatra đã bác bỏ tối hậu thư của những người biểu tình chống chính phủ yêu cầu bà từ chức và giải tán quốc hội.
Một người biểu tình lấy túi giấy bóng trùm mặt để tránh bị ngạt hơi cay khi biểu tình chống chính phủ tại Bangkok, ngày 2-12-2013. Ảnh: Reuters |
Trong một diễn văn với quốc dân, bà Yingluck nói rằng, yêu cầu giải tán quốc hội và thiết lập một “Hội đồng Nhân dân” là vi hiến”.
Bà Yingluck cũng nói, bà sẵn sàng mở mọi cánh cửa để tìm một giải pháp hòa bình đối với cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, khi những người biểu tình đang tràn ngập đường phố Bangkok với mục đích lật đổ bà.
Lời kêu gọi của thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban chuyển giao quyền lực từ một thủ tướng được bầu cử cho nhân dân “không tồn tại trong hiến pháp”, bà Yingluck khẳng định.
“Bất cứ điều gì tôi có thể làm cho người dân hạnh phúc, tôi sẵn lòng làm… nhưng là một thủ tướng, mọi điều tôi làm phải tuân thủ hiến pháp”, bà Yingluck nói thêm.
Trước đó, vào đêm 1-12, ông Suthep đã yêu cầu bà Yingluck phải chuyển giao quyền lực cho “nhân dân”, giải tán quốc hội và sẽ thành lập một “Hội đồng Nhân dân” trong một cuộc gặp gỡ cá nhân với bà Yingluck.
Trong khi đó, giới phê bình cho rằng, ông Suthep đang lợi dụng các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng trên đường phố để thao túng một cuộc đảo chính quân sự nhằm thay thế chính phủ được bầu cử của bà Yingluck.
Từ năm 1932 tới nay, Thái Lan đã chứng kiến 18 vụ đảo chính hoặc âm mưu đảo chính. Vụ gần đây nhất là vụ lật đổ Thủ tướng Thaksin vào năm 2006.
Hiện quân đội vẫn còn do dự trong việc can thiệp vào thế đối đầu hiện nay.
Bà Yingluck phát biểu rằng: “Quân đội sẽ trung lập và tôi biết, họ muốn nhìn thấy đất nước hòa bình”; đồng thời bà cũng nói, mục tiêu trước mắt của bà là vãn hồi “hòa bình” đối với các đường phố đang nổi loạn ở thủ đô. Bà thề rằng, “cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực chống lại nhân dân”.