.

Thủ tướng Yingluck tiến thoái lưỡng nan

.

Sự nhượng bộ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong việc giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại cũng không làm cả phe đối lập lẫn những người biểu tình nguôi giận.

Cuộc tuần hành quy mô lớn diễn ra ngày 22-12 càng đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào khủng hoảng sâu sắc, đe dọa sự nghiệp của nữ Thủ tướng 46 tuổi. Yêu cầu của những người chống chính phủ vẫn là phải lật đổ bằng được bà Yingluck và tiến hành cải cách chính trị.

Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban có mặt trong biển người tuần hành ngày 22-12. Ảnh: AP
Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban có mặt trong biển người tuần hành ngày 22-12. Ảnh: AP

Tuần hành diễn ra sau một ngày Đảng Dân chủ tuyên bố tẩy chay bầu cử và kêu gọi biểu tình tương tự năm 2006. AFP cho biết, ít nhất 1.000 người, chủ yếu là phụ nữ, tập trung bên ngoài nhà của Thủ tướng Yingluck trong lúc an ninh được thắt chặt. Song, bà không ở Bangkok mà hiện diện trên chuyến tàu từ Udon Thani đến Nong Khai. Hàng chục ngàn người khác cũng có mặt trên khắp thủ đô Bangkok với quyết tâm kêu gọi bà Yingluck từ nhiệm, cụ thể là hình thành các cuộc biểu tình ở 4 điểm, khiến giao thông bị đình trệ tại 3 giao lộ chính và 2 trung tâm thương mại.

Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, lãnh đạo phe biểu tình, tìm cách vận động 100.000 người tham gia trong ngày 22-12, như những cuộc biểu tình có từ 150.000-200.000 người từng diễn ra kể từ ngày 31-10. Không những thế, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) của lực lượng biểu tình tuyên bố đây là thời khắc lịch sử với 2-3 triệu người tham gia tuần hành. Họ không chỉ muốn lật đổ bà Yingluck mà sâu xa hơn là muốn loại bỏ ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của liên minh người nghèo ở miền nam Thái Lan, tầng lớp trung lưu ở thủ đô Bangkok và cả giới thượng lưu. Ông Suthep muốn gây áp lực hơn nữa cho bà Yingluck.

Lý do mà Đảng Dân chủ bác bỏ cuộc bầu cử sớm, dự kiến vào ngày 2-2-2014, theo ông Suthep, là cuộc bỏ phiếu này chỉ hình thành nên một chính phủ khác thân Thaksin, trong khi ông quyết tâm phá bỏ “chế độ Thaksin”. Còn cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch Đảng Dân chủ, lý giải về động thái tẩy chay bầu cử của đảng này rằng, người Thái đã mất niềm tin vào hệ thống dân chủ.

Reuters cho rằng, bế tắc chính trị kéo dài ở Thái Lan càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không chỉ việc đảng già cỗi nhất ở nước này nói không với bầu cử đang làm dấy lên những quan ngại mà một vấn đề lớn khác cũng được đặt ra: liệu quân đội có can thiệp vào bầu cử hay không. Kể từ năm 1932, quân đội Thái Lan từng phát động 18 cuộc đảo chính, trong đó một số vụ thành công, một số vụ thất bại. Nhiều người dân Thái Lan hiện nghi ngờ các tướng lĩnh - những người đã lật đổ ông Thaksin vào năm 2006 - đang đứng về phía phe chống chính phủ mặc dù đến nay, lực lượng quyền lực này vẫn khẳng định quan điểm trung lập. Thậm chí, người đứng đầu quân đội, Tướng Prayuth Chan-ocha, còn cảnh báo rằng sự chia rẽ chính trị của đất nước có thể khơi mào cho một cuộc nội chiến.

Bà Yingluck và ông Thaksin vẫn được người dân yêu mến ở khu vực phía bắc và đông bắc. Nhưng phong trào của ông Suthep nhận được sự ủng hộ của một bộ phận tầng lớp trung lưu ở Bangkok, các quan chức, giới bảo thủ và các tướng lĩnh hàng đầu quân đội.

Thủ tướng Yingluck khẳng định bầu cử vẫn diễn ra. Tuy nhiên, nếu Đảng Dân chủ vắng mặt thì đảng này sẽ khó có thể thừa nhận tính hợp pháp của bầu cử. Vì vậy, chưa rõ điều gì sẽ xảy ra và động thái tiếp theo của em gái ông Thaksin. Nhưng tiến hay lùi đối với bà trong lúc này đều là điều khó khăn.  

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.