.

Ukraine, Nga và thỏa thuận 15 tỷ USD

.

Thỏa thuận giữa Ukraine với Nga với gói giải cứu 15 tỷ USD đang làm những người chống đối Tổng thống Viktor Yanukovich tức giận. Song, Thủ tướng Mykola Azarov cho rằng, thỏa thuận lịch sử này sẽ bảo đảm sự ổn định về tài chính cho nước ông.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Viktor Yanukovich ký thỏa thuận ở Mátxcơva. Ảnh: AP
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Viktor Yanukovich ký thỏa thuận ở Mátxcơva. Ảnh: AP

Ngày 18-12, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đối mặt với lời kêu gọi từ chức xung quanh thỏa thuận 15 tỷ USD mà ông vừa ký với Điện Kremlin tại Mátxcơva.

Cuối tuần này, Nga sẽ mua trái phiếu của Ukraine trị giá 3 tỷ USD - một phần trong thỏa thuận 15 tỷ USD và giảm giá khí đốt cung cấp cho Kiev. Nga nói rằng, thỏa thuận này sẽ giúp Kiev quay quanh “quỹ đạo” Mátxcơva và ra khỏi tầm với của phương Tây. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 18-12, Thủ tướng Mykola Azarov nói rằng, thỏa thuận bảo đảm “niềm tin của người dân về một cuộc sống ổn định”. “Điều gì chờ đợi Ukraine nếu không có thỏa thuận với Nga? Câu trả lời rất rõ ràng. Đó là phá sản và sụp đổ xã hội”, Thủ tướng Azarov nói. Ông còn cho rằng, thỏa thuận là món quà năm mới dành cho người dân Ukraine.

Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trên đường phố Kiev. Các lãnh đạo phe đối lập cáo buộc Tổng thống Yanukovich từ bỏ lợi ích của Ukraine và kêu gọi các cuộc tuần hành quy mô lớn. Nhiều người tức giận vì ông Yanukovich bỏ qua thỏa thuận kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) và chọn cách “bắt tay” với Nga.
Thực tế, Ukraine cần tiền để bù đắp khoảng trống ngân sách khi thời điểm đáo hạn các khoản vay nước ngoài trị giá 17 tỷ USD đang đến gần (năm 2014). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải rút hết dự trữ tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Ukraine. Tổng thống Yanukovich muốn tìm một thỏa thuận tốt nhất cho đất nước có 46 triệu dân của mình, nhưng lại vấp phải chỉ trích của phương Tây sau khi cảnh sát dùng vũ lực chống lại những người biểu tình ở trung tâm thủ đô. Song, ông vẫn bảo vệ quan điểm gần Nga là lựa chọn duy nhất trong lúc Ukraine rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Mỹ cảnh báo Ukraine rằng, thỏa thuận nói trên sẽ không làm những người biểu tình hài lòng. Song, về phía Nga, trước Quốc hội ngày 18-12, Ngoại trưởng Sergei Lavrov chỉ trích việc phương Tây đang tiếp tục gây áp lực công khai đối với Ukraine. Mátxcơva vốn chỉ trích các quan chức châu Âu bắt nạt Kiev bằng việc đe dọa trả đũa về kinh tế.

Reuters cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đưa thị trường giàu khoáng sản của Ukraine vào Liên minh Á - Âu mà ông có kế hoạch xây dựng với Kazakhstan, Belarus và các nước từng thuộc Liên Xô cũ. Theo đó, liên minh này sẽ đối trọng với sức mạnh kinh tế của Mỹ và Trung Quốc. Nếu không có sự tham gia của Ukraine, liên minh sẽ yếu đi. Vì vậy, đương nhiên ông Putin không muốn Kiev có mối quan hệ mới và thân thiết nào với EU.

Về giá khí đốt, theo thỏa thuận, Ukraine sẽ trả cho các nhà cung cấp của Nga 268,5 USD/m3, thay vì 400 USD như trước. Tổng thống Putin khẳng định rằng, sự hỗ trợ của Nga đối với Ukraine không có bất kỳ điều kiện nào. “Ukraine là đối tác chiến lược và đồng minh của chúng tôi”, ông Putin nói.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.