.

Ariel Sharon và hòa bình ở Trung Đông

.

Cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon gắn với một giai đoạn đầy thăng trầm ở Trung Đông. Ông cũng là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Israel.

Thủ tướng Ariel Sharon (trái) và Bộ trưởng Tài chính Benjamin Netanyahu tại một cuộc họp ở Jerusalem ngày 16-1-2005. Ông Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm của Israel.          Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ariel Sharon (trái) và Bộ trưởng Tài chính Benjamin Netanyahu tại một cuộc họp ở Jerusalem ngày 16-1-2005. Ông Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm của Israel. Ảnh: Reuters

Ông Sharon qua đời ở tuổi 85 tại Trung tâm y tế Sheba, gần thủ đô Tel Aviv của Israel vào ngày 11-1, sau 8 năm hôn mê. Các bác sĩ đã dự đoán về sự ra đi của cựu Thủ tướng Israel sau khi sức khỏe của ông tụt dốc.

Reuters dẫn lời một quan chức Israel nói rằng, linh cữu của ông Sharon được đặt tại Knesset - trụ sở Quốc hội ở Jerusalem vào ngày 12-1. Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra vào ngày 13-1, sau đó là tang lễ theo nghi thức cấp nhà nước ở gần nông trại Sycammore - dinh thự của cựu Thủ tướng Sharon, miền nam Israel. Trong số các khách mời là lãnh đạo của các nước trên thế giới dự kiến có Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Czech Jiri Rusnok, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, cựu Thủ tướng Anh - đặc sứ Bộ Tứ Trung Đông Tony Blair…

Theo AP, trong phần lớn sự nghiệp chính trị của mình kể từ khi được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên vào tháng 2-2001, ông Sharon luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với người Palestine và thế giới Arab, thậm chí được gọi là “nhân vật diều hâu”. Tuy nhiên, trước khi bị đột quỵ vào năm 2006, ông chuyển sang lập trường ôn hòa hơn, cụ thể là rút khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza và một phần Bờ Tây. Ông muốn chấm dứt bạo lực, có hòa bình với người Palestine và với các nước láng giềng nhưng hoàn toàn theo các điều kiện của Israel.

Câu hỏi đặt ra là nếu ông Sharon không bị đột quỵ và hôn mê cách đây 8 năm thì điều gì sẽ xảy ra, bức tranh ở Trung Đông có khác biệt so với thời điểm hiện tại không? Với người Israel, họ cho rằng, chỉ duy nhất ông Sharon giải quyết được tình trạng các khu tái định cư Do Thái ở Bờ Tây và vẽ lại các đường biên giới cuối cùng của nhà nước Tel Aviv. Vì vậy, Mỹ và các cường quốc khác xem ông Sharon là nhà kiến tạo hòa bình, nhất là việc theo đuổi đối thoại với Palestine. Đàm phán được tiếp tục thực hiện dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tuy vẫn còn nhiều bất đồng, dị biệt với Palestine.

Với người Palestine, ông Sharon là “tội phạm” và cần được đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế. Họ cho rằng, ông Sharon muốn “xóa Palestine khỏi bản đồ thế giới”. “Nhưng cuối cùng, ông Sharon đã chết và người Palestine vẫn sống”, Giám đốc Tình báo Palestine Tawfik Tirawi (khi ông Sharon làm Thủ tướng Israel) nói. Không khí vui mừng bao phủ khắp Dải Gaza ngày 12-1.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi vị cựu Thủ tướng gây nhiều tranh cãi của Israel là nhà lãnh đạo đã dành cả cuộc đời cho quốc gia Trung Đông này, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình của Sharon. Từ lâu, Mỹ là đồng minh quan trọng của Israel. Song, ông Obama hiện có mối quan hệ không nồng ấm với Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu xung quanh các vấn đề về chính sách tái định cư của Israel và chương trình hạt nhân của Iran.

Sau gần 5 năm làm Thủ tướng, “di sản” nổi bật mà ông Sharon để lại là việc ông rời đảng cánh hữu Likud để thành lập đảng Kadima - một đảng mới có chủ trương ôn hòa. Ông cũng có nhiều triển vọng tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào năm 2006. Tuy nhiên, ngày 4-1-2006, ông bị đột quỵ và hôn mê kể từ đó.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.