.

Cáo buộc Thủ tướng Thái Lan

.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra là người đứng đầu Ủy ban Gạo quốc gia. Bà đang đối mặt với các cáo buộc liên quan đến chương trình trợ cấp gạo vốn gây nhiều tranh cãi và bị cho là xảy ra tham nhũng.

Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” vẫn chưa kết thúc.   			         Ảnh: AP
Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” vẫn chưa kết thúc. Ảnh: AP

Ngày 16-1, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) nói rằng, cơ quan này sẽ điều tra chương trình trợ cấp gạo. Chương trình này là một trong những nguyên nhân chính khiến các cuộc biểu tình do phe đối lập phát động lan rộng.

Reuters dẫn lời những người chỉ trích khẳng định, có tình trạng tham nhũng đầy rẫy trong chương trình trợ cấp gạo. Theo Vicha Mahakhun - một quan chức thuộc NACC, những người giám sát chương trình này biết về những thiệt hại nhưng đã không ngăn chặn tổn thất.

Năm 2011, bà Yingluck lên nắm quyền nhờ lời hứa mua giá gạo trên giá trị trường để giúp các nông dân nghèo. Điều này làm giá gạo của Thái Lan trở nên đắt đỏ và quốc gia Đông Nam Á mất vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vị trí này thuộc về Ấn Độ vào tháng 9-2011 và Thái Lan rớt xuống vị trí số 3.

Chính phủ Thái Lan công bố thiệt hại của chương trình trợ cấp gạo khoảng 4 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, các lãnh đạo phe đối lập cho rằng, con số này thực chất lên tới 6-7 tỷ USD.

Tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirome bị sa thải khi ông không trả lời được những câu hỏi về quan ngại của công chúng đối với chương trình trợ cấp gạo.

Cũng trong ngày 16-1, những người biểu tình chống chính phủ tiếp tục tuần hành trên đường phố Bangkok và nhằm vào các cơ quan chính phủ. Trong ngày thứ tư diễn ra chiến dịch “đóng cửa Bangkok”, tuy số lượng người biểu tình giảm nhưng có thể tăng trở lại vào cuối tuần này.

Những người biểu tình nhằm vào Bộ Y tế công cộng và Bộ Công trình công cộng. Một nhóm khác do những nhà sư dẫn đầu tiến đến Cơ quan Điều tra đặc biệt (DSI), vốn được xem là FBI của Thái Lan. AP cho rằng, hầu hết các cuộc biểu tình trong tuần này nhìn chung diễn ra ôn hòa mặc dù vẫn có các hành động bạo lực.

Nhiều bộ và cơ quan nhà nước đóng cửa. Nhiều con đường bị phong tỏa nên gây trở ngại về giao thông. Tuy nhiên, cuộc sống của hầu hết người dân Bangkok vẫn bình thường.

Lãnh đạo phe biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, nói rằng nhiều quan chức nghỉ việc và chuyển sang ủng hộ phong trào biểu tình chống lại Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Theo Bangkok Post, Ủy ban Bầu cử (EC) - cơ quan đề xuất hoãn bầu cử ngày 2-2 sang tháng 5 - đã gửi thư cho Thủ tướng Yingluck, mời bà tham gia đối thoại vào hôm nay (17-1) nhằm thảo luận các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử.

Với người dân Thái Lan, cũng có nhiều cuộc đối thoại để họ bày tỏ nguyện vọng. Ông Suthep nhấn mạnh, điều mà người dân mong muốn là chính phủ từ bỏ quyền lực do tham nhũng và các sai lầm khác. Song, những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck nói rằng, cử tri nên được phép lựa chọn lãnh đạo của mình trong cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2.

Về phía chính phủ tạm quyền, các nhà chức trách đã yêu cầu cảnh sát bắt giữ những thủ lĩnh biểu tình đối lập sau khi những người này đe dọa bắt giữ Thủ tướng Yingluck. Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul tuyên bố, nếu cảnh sát không làm theo yêu cầu này, họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc không thực hiện chức trách. Theo Tân Hoa xã, cảnh sát sẽ bắt giữ ông Suthep.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.