.

Chiến dịch "đóng cửa Bangkok"

.

Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu “đóng cửa Bangkok” từ ngày 13-1.

Phe biểu tình và Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) xem ngày 13-1 là cơ hội cuối cùng để lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra - em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đồng thời tẩy chay cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2 tới.

Biểu tình ở thủ đô Bangkok sẽ kéo dài đến ngày 13-1.  Ảnh: AFP
Biểu tình ở thủ đô Bangkok sẽ kéo dài đến ngày 13-1. Ảnh: AFP

Cuộc đối đầu lớn nhất

AFP cho biết, ngày 5-1, hàng ngàn người biểu tình tràn xuống đường phố Bangkok để yêu cầu bà Yingluck từ chức. Họ cam kết thiết lập các điểm biểu tình trên khắp thủ đô, ngăn cản các công chức đến công sở; cắt điện, nước ở các cơ quan chính phủ cũng như ở văn phòng Thủ tướng và nội các của bà. Theo đó, biểu tình trong ngày 5-1 được bắt đầu ở Tượng đài Dân chủ, tạo thành 5 điểm chính, bất chấp việc chính phủ dọa dùng các biện pháp an ninh để giữ trật tự và hòa bình.

Lãnh đạo phe biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban nói rằng, thêm 2 cuộc biểu tình vào ngày 7 và 9-1 nhằm “dọn đường” cho “ngày quyết định” 13-1. Người phát ngôn PDRC Akanat Promphan cũng khẳng định điều này và cho hay, trong “trận chiến cuối cùng”, 6 giao lộ sẽ trở thành điểm tuần hành mới, bao gồm: Lumpini, Pathumwan, Ratchaprasong, Asok, Tượng đài Chiến thắng và Lat Phrao. Theo Reuters, đây sẽ là cuộc đối đầu lớn nhất kể từ khi bùng nổ các cuộc biểu tình vào tháng 11-2013. Từ đó, có lúc có đến 200.000 người tham gia vào dòng người biểu tình. Song, thay vì tuần hành hòa bình như mục đích đặt ra ban đầu, xung đột với cảnh sát đã diễn ra làm 3 người chết và nhiều người khác bị thương.

Ông Suthep khẳng định phe của ông sẽ tiếp tục tuần hành. “Chúng tôi sẽ không dừng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuần hành cho đến khi giành thắng lợi và sẽ không đầu hàng”, ông Suthep nói. Tuy nhiên, những người biểu tình sẽ giảm thiểu tác động đến dân thường và cũng không nhằm mục tiêu các sân bay.

Báo Bangkok Post dẫn lời Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul nói rằng, các nhà chức trách về an ninh nhận lệnh chuẩn bị đối phó với sự kiện ngày 13-1. Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul cũng chỉ trích các cuộc biểu tình hàng loạt mang tính bất hợp pháp, gây tổn hại cho nền kinh tế của Thái Lan.
Bầu cử là liều thuốc tốt nhất

Thủ tướng Yingluck kêu gọi tổng tuyển cử lại vào ngày 2-2 và thúc giục người dân Thái Lan ủng hộ cuộc bỏ phiếu cùng với tiến trình cải cách đất nước. Tuy nhiên, những người biểu tình thề tẩy chay sự kiện này bởi họ lo ngại dòng họ Shinawatra sẽ tiếp tục nắm quyền. Kể từ năm 2001 đến nay, các đảng thân Thaksin luôn giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử, dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo nông thôn - những người vốn hưởng lợi từ các chính sách của ông Thaksin như: chăm sóc y tế giá rẻ, trợ cấp cho nông dân…

Trong thông điệp được đăng tải trên facebook sáng 5-1, bà Yingluck nói rằng, các vấn đề ở Thái Lan trở nên phức tạp và không thể được giải quyết chỉ trong một ngày. Bà thừa nhận bầu cử không phải là thuốc trị bá bệnh nhưng là liều thuốc tốt nhất để tháo gỡ các vấn đề hiện tại. Bầu cử sẽ được thực hiện cùng các giải pháp khác như cải cách và chuẩn bị cho chính quyền địa phương. “Nếu không có phương pháp này, đất nước sẽ không có cách nào khác kể từ khi giải tán Hạ viện, chính phủ không thể làm điều gì để giải quyết các vấn đề kinh tế”, bà Yingluck nói.

Nhà lãnh đạo 47 tuổi đang chịu nhiều áp lực từ phe đối lập nhấn mạnh: Nhiều chuyến bay đưa du khách đến Thái Lan đã bị hủy, nhiều nước phát cảnh báo khuyên công dân không nên đến quốc gia Đông Nam Á này. “Những điều này không tốt cho đất nước”, Thủ tướng Yingluck khẳng định.

Chưa rõ kinh tế Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Bangkok bị đóng cửa. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan Yuthachai Sunthornrattanavech ước tính 100.000 khách du lịch lên kế hoạch đến quốc gia này trong tháng 1 sẽ bị ảnh hưởng.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.