.

Giấc mơ đổi đời

.

Pramila Dangol lén chồng sang Kuwait (một quốc gia tại Trung Đông) lao động với hy vọng đổi đời cho hai đứa con ở Nepal. Thậm chí đứa con trai lớn 18 tuổi chỉ biết mẹ sang Kuwait chỉ hai ngày trước đó nhưng thương mẹ bị cha nghiện ma túy đánh ngày đêm nên nhắm mắt làm ngơ. Dangol hứa với con trai rằng mẹ sẽ làm hết sức để gửi tiền về cho con và em gái vài tháng một lần. Dangol khát khao tột cùng bởi một người dì đã cảnh báo sang Kuwait rất dễ bị đánh đập, hành hạ nhưng người đàn bà 38 tuổi đáp lại đầy quyết tâm: Ở nhà cũng bị đánh đập, sang đó cũng bị đánh đập nhưng con cái có tiền ăn học.

Rajiv bên xác mẹ.
Rajiv bên xác mẹ.

Dangol sang Kuwait hơn một năm qua nhưng chỉ một lần gửi tiền về cho con rồi mọi thông tin biến mất. Mãi tới bây giờ, con trai bà mới nhận được xác của bà. Sống đã khổ vì chồng, cái chết cũng đầy trắc trở. Bà chết từ hồi tháng 8-2013 trong khi vận hành máy điều hòa không khí cho gia đình tư nhân nhưng mọi người chỉ phát hiện xác của bà vào tháng 11. Cơ quan pháp y cho biết bà chết vì thiếu oxy. Vì bà là người nhập cư bất hợp pháp nên thủ tục khá phức tạp. Xác của bà nằm tại nhà xác ở Kuwait suốt ba tháng trời trước khi được chở về Nepal. Bà đi với khát khao cháy bỏng kiếm tiền nuôi con nhưng trở về trong chiếc quan tài lạnh lẽo.

Dangol nằm trong số hàng trăm người Nepal mỗi ngày vượt biên sang làm việc ở các nước vùng Vịnh giàu có nhưng cũng nằm trong số vài người phải trở về nhà mỗi tuần vì… thiệt mạng. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển Nepal (NIDS), có hơn 225 nghìn phụ nữ nhập cư sang các nước vùng Vịnh làm việc nhưng chỉ có 60 nghìn người có giấy tờ hợp pháp kể từ năm 2007 tới nay. Có hơn 2 nghìn người mỗi ngày chờ chính phủ cấp phép. Riêng Kuwait có tới 28 nghìn phụ nữ Nepal sang lao động chui. Nghiệt một nỗi, lao động giúp việc ở Kuwait và Ả Rập Xê Út không được luật lao động bảo vệ nên phụ thuộc vào lòng tốt của gia chủ. NIDS cho biết thêm có tới 1/5 phụ nữ Nepal bị lạm dụng thể xác và tình cảm. Từ năm 2010, Đại sứ quán Nepal ở Kuwait giúp đỡ cho hơn 2 nghìn phụ nữ kêu cứu vì bị lạm dụng.

Gia đình của Dangol không nhận được một đồng bồi thường hay bảo hiểm nào vì bà là lao động chui. Người con trai 18 tuổi của bà, Rajiv cho biết sau khi kết thúc chương trình học phổ thông sẽ đi học nghề đầu bếp cho khách sạn. Tuy nhiên, cũng như mẹ Dangol, Rajiv cho biết sẽ kiếm cách sang Kuwait làm việc bởi ở Nepal quá khó kiếm tiền. Rajiv quyết kiếm tiền để hoàn tất giấc mơ đổi đời cho gia đình mà mẹ Dangol còn dang dở.

ANH THƯ (Theo Washington Post)

;
.
.
.
.
.