.
HỘI NGHỊ HÒA BÌNH SYRIA

Nguy cơ đổ vỡ vì Iran

.

Phe đối lập ở Syria tuyên bố tẩy chay hội nghị hòa bình quốc tế diễn ra trong tuần này tại Thụy Sĩ nếu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon không rút lại lời mời đối với Iran.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Damascus ngày 15-1. 			              Ảnh: Reuters
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Damascus ngày 15-1. Ảnh: Reuters

Việc Iran sẽ tham dự hội nghị về hòa bình được bắt đầu vào ngày 22-1 tại Montreux (Thụy Sĩ) - gọi là Hội nghị Geneva 2 - làm dấy lên những tranh cãi. Theo lý giải của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, ông mời Iran đến Thụy Sĩ bởi Ngoại trưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo Javid Zarif cam kết đóng “vai trò tích cực và xây dựng” trong nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 3 năm ở Syria. Đơn giản là ông Ban Ki-moon tin tưởng vào sự ủng hộ của Iran đối với kế hoạch Geneva 2012, kế hoạch vốn được thống nhất tại Hội nghị hòa bình quốc tế ở Geneva vào tháng 6-2012.

Các cuộc gặp ở Montreux lần này diễn ra trước thềm đàm phán hòa bình giữa chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với các nhóm đối lập vào ngày 24-1 tại Geneva. Theo ông Ban Ki-moon, Montreux không phải là nơi để đàm phán mà các đảng của Syria sẽ bắt đầu tiến trình nghị sự vào ngày 24-1. Ông nhấn mạnh: Phải chấm dứt bạo lực vì tương lai của Syria. Reuters cho biết, hơn 2,3 triệu người đã rời bỏ Syria để lánh nạn và khoảng 6,5 triệu người trở nên vô gia cư đang sinh sống ở quốc gia này. Chủ trì hội nghị hòa bình, nhà lãnh đạo LHQ cũng mời Úc, Bahrain, Bỉ, Hy Lạp, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Hàn Quốc và Vatican cùng ngồi vào bàn nghị sự.

Thành viên cấp cao của Liên minh dân tộc Syria, ông Anas al-Abdah, cho rằng lời mời đối với Iran là “phi logic và chúng tôi không có cách gì chấp nhận”.

Mỹ cũng phản đối lời mời nói trên. Washington kêu gọi Iran hoặc ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp ở Syria, hoặc không đến Thụy Sĩ. Washington và các nhóm đối lập tại Syria đều cáo buộc Tehran hỗ trợ nhân lực và vũ khí cho đồng minh - Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nổi dậy chống lại ông. Pháp và Anh đều bảo vệ quan điểm của Mỹ, đồng thời thúc giục Iran chấp nhận một chính phủ chuyển tiếp để kết thúc khủng hoảng ở Syria.  

Nếu đại diện của Tehran có mặt ở Thụy Sĩ, sẽ có 40 nước và một nhóm các cơ quan khu vực tham dự hội nghị. Đây sẽ là nỗ lực ngoại giao đáng kể nhất nhằm kết thúc cuộc nội chiến mà LHQ cho rằng có đến 130.000 người chết. Trước đó, Tehran cho biết nước này sẽ dự hội nghị hòa bình nếu có lời mời không điều kiện.

Theo Reuters, Mỹ và Nga đóng vai trò then chốt trong việc thuyết phục Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập cử các phái đoàn tham dự đàm phán. Mátxcơva vốn bảo vệ người đồng minh Assad. Còn Washington hiện chỉ đồng ý cho Iran tham dự nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này công khai ủng hộ kế hoạch tháng 6-2012 về việc chuyển tiếp chính trị mà Tổng thống Assad phải từ chức. “Nếu Iran không chấp nhận hoàn toàn và công khai Tuyên bố Geneva, lời mời phải bị hủy bỏ”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố.

Tổng thống Assad vốn rất muốn tham dự hội nghị lần này. Ông nói rằng, đây là cơ hội tốt để ông tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6 tới. Trong khi đó, Iran đã chấp nhận lời mời của ông Ban Ki-moon và điều này được cho sẽ làm “trật bánh” sự kiện “mang lại tương lai cho Syria”.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.