Đến giờ phút cuối trước khi Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria diễn ra ở Thụy Sĩ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bất ngờ hủy bỏ lời mời Iran tham dự sự kiện này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đến sân bay quốc tế Geneva ngày 21-1. Ảnh: AP |
Sự thay đổi quan điểm chỉ chưa đầy 24 giờ của ông Ban Ki-moon bị Iran và Nga chỉ trích gay gắt, thậm chí còn bị cho rằng làm tổn hại đến hình ảnh của LHQ. Thực tế, lãnh đạo LHQ bị áp lực từ Mỹ và các nước khác, cũng như từ phe đối lập ở Syria - lực lượng dọa tẩy chay đàm phán trực tiếp lần đầu tiên với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad nếu Iran có mặt tại Thụy Sĩ.
AP cho biết, ngày 21-1, các phái đoàn quốc tế bắt đầu đến Thụy Sĩ để tham dự đàm phán Geneva 2 vốn được chờ đợi từ lâu, hướng đến việc kết thúc cuộc nội chiến kéo dài suốt 3 năm ở Syria. Cũng theo AP, quyết định của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhằm “dọn đường” cho hội nghị, dự kiến khai mạc vào hôm nay (22-1) tại Montreux với sự tham dự của Mỹ, Nga và gần 40 quốc gia khác. Sau đó, đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Syria với phe đối lập sẽ diễn ra vào ngày 24-1 tại Geneva.
Tại Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, quyết định của ông Ban Ki-moon loại bỏ Iran tham dự hội nghị là sai lầm nhưng không dẫn đến thảm họa. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các bên ở Syria mà không có bất kỳ điều kiện nào”, ông Lavrov nói. Cũng theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, quyết định nói trên không giúp thúc đẩy quyền lực của LHQ mà trái lại “trông thật khó coi”.
Tranh cãi xung quanh việc Iran tham gia hội nghị ở Thụy Sĩ tạo ra bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Nga, đồng thời gây áp lực lớn đối với ông Ban Ki-moon. LHQ lý giải, loại bỏ tư cách tham dự của Iran vì nước này không ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp tại Syria. Ông Ban Ki-moon bày tỏ thất vọng sâu sắc về các tuyên bố của Iran, cụ thể Tehran đã bác bỏ thông cáo chung mà các cường quốc thế giới đạt được hồi tháng 6-2012 nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria. Tehran từng khẳng định sẽ không tham gia hội nghị nếu bị buộc chấp nhận thỏa thuận tháng 6-2012. Song, đằng sau những lập luận này là thế khó của ông Ban Ki-moon, nhất là khi các cuộc đàm phán có nguy cơ đổ vỡ nếu đại diện Tehran đến Thụy Sĩ.
Dù vậy, Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định quan điểm của Nga: Sự hiện diện của Iran là cần thiết cho thành công của đàm phán. “Iran vắng mặt sẽ không giúp ích gì trong việc thúc đẩy sự đoàn kết của người Hồi giáo trên thế giới”, ông Lavrov nói. Vị quan chức của Nga còn nhấn mạnh, chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng công khai rằng, Iran đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Trong khi đó, tại thủ đô Tehran, Bộ Ngoại giao Iran cũng chỉ trích ông Ban Ki-moon. Tehran vốn là đồng minh chính của Tổng thống Bashar al-Assad ở khu vực. Một quan chức ngoại giao của Iran tỏ ra nghi ngờ về thành công của đàm phán.
Và thế là vô hình trung, Iran đang trở thành tâm điểm trước thềm các cuộc gặp ở Thụy Sĩ, chứ không phải là Syria. Đàm phán lần này sẽ thành công hay thất bại như năm 2012 vẫn là điều khó đoán.
BÌNH YÊN