Cựu Bộ trưởng Năng lượng và cũng là thành viên nhóm cố vấn kinh tế, ông Pichai Naripthaphan, nói rằng nếu thủ đô Bangkok bị đóng cửa từ ngày 13-1 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của Thái Lan.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lãnh đạo phe biểu tình, ông Suthep Thaugsuban (giữa), nhận sự đóng góp của những người ủng hộ trong cuộc tuần hành ở Bangkok ngày 7-1. Ảnh: Reuters |
Ngày 7-1, ông Pichai Naripthaphan cho biết, các cuộc biểu tình chống chính phủ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh ở thủ đô Bangkok, nhất là tại các chợ.
Ngành du lịch thiệt hại nặng
Theo báo Bangkok Post, nhận định của ông Naripthaphan là phản ứng đối với phát biểu của Chủ tịch Tổ chức chống tham nhũng của Thái Lan (ACT) Pramon Sutheewong. Trong cuộc họp với Đảng Dân chủ đối lập, ông Sutheewong bày tỏ ủng hộ việc đóng cửa Bangkok theo kế hoạch của Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC). Người đứng đầu ACT khẳng định việc đóng cửa thủ đô không tác động lớn đến công việc kinh doanh.
Cũng theo báo Bangkok Post, kể từ khi biểu tình chống chính phủ nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bắt đầu diễn ra, chỉ số giao dịch chứng khoán (SET) của Thái Lan giảm hơn 200 điểm. Trong ngày 5-1, ngày đầu tiên phe đối lập tuyên bố sẽ biểu tình đóng cửa Bangkok, chỉ số SET giảm hơn 67 điểm, giảm giá trị giao dịch thương mại hằng ngày hơn 58 tỷ baht.
Ông Sutheewong cho rằng, biểu tình gây ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành du lịch bởi du khách nước ngoài hoãn kế hoạch thăm Thái Lan. Bằng chứng rõ nhất là 40 quốc gia đã ban bố khuyến cáo du lịch đến Thái Lan. Thêm vào đó, niềm tin của các nhà đầu tư giảm đến mức thấp nhất, khiến quốc gia Đông Nam Á này mất những cơ hội.
Riêng trong ngày 6 -1, ít nhất 60 chuyến bay quốc tế đến Bangkok bị hủy. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang hướng sang các nước láng giềng của Thái Lan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Somsak Pureesrisak cho rằng, lượng khách đến Thái Lan sẽ chỉ giảm xuống trong một thời gian nhất định. “Khi tình hình ổn định trở lại, lượng du khách sẽ tăng trở lại”, ông Pureesrisak nói.
Không có đảo chính
Thủ tướng Yingluck Shinawatra khẳng định quân đội sẽ không tổ chức đảo chính để lật đổ chính phủ vì đã học được các bài học trong quá khứ. Bà bày tỏ tin tưởng các tư lệnh quân đội không can thiệp vào khủng hoảng chính trị hiện tại và không đảo chính vì lo ngại hậu quả lâu dài. “Cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng là các bên đối thoại”, nữ Thủ tướng 47 tuổi nói.
Hiện tại, Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha vẫn để các binh sĩ của mình đứng ngoài cuộc đối đầu giữa chính phủ với phe biểu tình. Song, thời gian gần đây có những nghi vấn về sự can thiệp của quân đội. Lo ngại này không hẳn không có cơ sở, nhất là khi quân đội đang di chuyển các xe tăng và các thiết bị khác đến Bangkok để chuẩn bị cho cuộc diễu binh vào ngày 18-1 tới; và cũng bởi trong 81 năm qua, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính (cả đảo chính thành công lẫn thất bại). Năm 2006, ông Thaksin cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, đánh dấu bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan.
Cũng trong ngày 7-1, những người biểu tình tiếp tục tuần hành ở Bangkok, thúc đẩy kế hoạch đóng cửa Bangkok bằng cách phong tỏa các con đường chính và ngăn cản chính phủ hoạt động. Reuters ước tính ít nhất 5.000 người tập trung từ Tượng đài Dân chủ đến con sông ở khu vực Thonburi. Các nhà chức trách cho biết, 20.000 cảnh sát, với sự hậu thuẫn của quân đội, sẽ triển khai trên các đường phố trong ngày 13-1, ngày đầu tiên đóng cửa Bangkok. Một khảo sát của Đại học Bangkok cho thấy hơn 60% người dân thủ đô lo ngại nguy cơ bạo lực khi những người biểu tình chiếm giữ thành phố này.
PHÚC NGUYÊN