.
Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

Cải cách hay bầu cử?

.

Tổng tuyển cử ở Thái Lan vẫn diễn ra vào ngày 2-2 tới. Theo lý giải của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, bầu cử là giải pháp tốt nhất để kết thúc khủng hoảng.

Biểu tình rầm rộ trên đường phố Bangkok ngày 15-1.  Ảnh: AP
Biểu tình rầm rộ trên đường phố Bangkok ngày 15-1. Ảnh: AP

Cuộc họp do Thủ tướng Yingluck Shinawatra chủ trì với các bên liên quan nhằm thảo luận về đề xuất của Ủy ban Bầu cử (EC) diễn ra tại Bangkok không suôn sẻ bởi sự vắng mặt của lãnh đạo phe biểu tình - cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và Đảng Dân chủ. Phe đối lập cho rằng, trước hết cần loại bỏ tham nhũng trong chính trị rồi sau đó mới bầu cử. Vì vậy, bà Yingluck chỉ gặp các thành viên chính phủ, các ứng viên đăng ký tranh cử và một quan chức cấp cao của EC.

Phát biểu với báo giới ngày 15-1, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định thời gian tiến hành tổng tuyển cử vẫn là ngày 2-2 và việc EC trì hoãn bầu cử đến tháng 5 là bất hợp pháp. Tuy không hoàn toàn bác bỏ việc trì hoãn nhưng bà Yingluck một lần nữa bày tỏ quan ngại rằng, hiến pháp không cho phép hoãn bỏ phiếu. AFP dẫn lời nữ Thủ tướng 47 tuổi kêu gọi những người biểu tình chống chính phủ hãy thể hiện sự tức giận đối với bà tại các thùng phiếu chứ không nên ngăn cản bầu cử. Bà nói rằng, tổng tuyển cử là cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng chính trị sâu sắc tại quốc gia này.

Thái Lan vẫn chìm trong khủng hoảng khi chiến dịch “đóng cửa Bangkok” bước sang ngày thứ ba. CNN cho rằng, biểu tình đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức là chương mới nhất trong cuộc xung đột chính trị kéo dài 8 năm giữa tầng lớp trung lưu cùng phe bảo hoàng tại Bangkok, đối lập với những người nghèo ở vùng nông thôn. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu về một giải pháp tháo gỡ bế tắc, dù sẽ tổ chức bầu cử. Song, vẫn có những quan ngại về cuộc bỏ phiếu sắp tới trong lúc phong trào biểu tình rầm rộ trên đường phố Bangkok với cam kết lật đổ bằng được bà Yingluck.

Đêm 14-1 được xem là đêm bạo lực ở Bangkok khi xảy ra vụ nổ lớn ở nhà của Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cùng 2 vụ khác xảy ra ở Ratchathewi và Nang Loeng. Ông Abhisit và gia đình thoát nạn vì không có mặt ở nhà. Riêng tại Ratchathewi có 2 người bị thương.

Tính đến ngày 15-1, những người biểu tình chống chính phủ phong tỏa ít nhất 7 giao lộ đông đúc nhất tại trung tâm Bangkok, tiếp tục gây cản trở hoạt động tại các trụ sở bộ, ngành, khiến nhiều cơ quan phải đóng cửa. Kể từ cuối tháng 11 năm ngoái, bản thân bà Yingluck cũng không thể đến tòa nhà chính phủ để làm việc.

Trong lúc đó, hầu như bám trụ mỗi ngày tại các điểm biểu tình, ông Suthep vẫn được đông đảo những người ủng hộ chào đón. Lực lượng của ông tuyên bố chiếm giữ các trục giao thông lớn cho đến khi có “hội đồng nhân dân” thay thế chính phủ của bà Yingluck. Họ lo ngại bầu cử sẽ mở đường để dòng họ Shinawatra tiếp tục nắm quyền. Thực tế, trong mỗi cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan kể từ năm 2001, Đảng Dân chủ bị các đảng thân Thaksin đánh bại và thất bại như thế có thể xảy ra một lần nữa trong tháng 2 tới.

Theo CNN, những người biểu tình khẳng định họ không phản đối dân chủ nhưng muốn cải tổ sâu rộng để loại trừ tham nhũng trước khi bầu cử diễn ra. Khẩu hiệu của họ là “Cải cách trước khi bầu cử”. Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul thúc giục cảnh sát nhanh chóng bắt giữ ông Shuthep cùng các trợ lý. “Nếu không thì đất nước của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”, ông Surapong nói.

Theo khảo sát do Đại học Thương mại Thái Lan thực hiện, các cuộc biểu tình có thể làm nền kinh tế đất nước này thiệt hại 1 tỷ baht/ngày (30 triệu USD). Không những thế, các chuyên gia của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng, biểu tình có nguy cơ kích động bạo lực và dẫn đến đảo chính, như từng xảy ra vào năm 2006.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.