.

Mong manh tương lai của ông Assad

.

Hội nghị quốc tế về hòa bình ở Syria vào ngày 22-1 tại Montreux (Thụy Sĩ) đe dọa tương lai chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (giữa) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Thụy Sĩ.  		                 Ảnh: AP
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (giữa) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Thụy Sĩ. Ảnh: AP

Tiến trình nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài suốt 3 năm ở Syria gặp nhiều khó khăn khi có quá nhiều bất đồng thể hiện rõ tại Montreux (còn gọi là hội nghị Geneva 2). Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Tổng thống Assad phải từ chức, nghĩa là sẽ không có mặt trong chính phủ chuyển tiếp. “Chúng tôi thấy chỉ có một giải pháp: đàm phán về một chính phủ chuyển tiếp theo thỏa thuận chung”, ông Kerry nói. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề ở Syria.

“Nhân vật chính” của hội nghị là chính phủ Syria và phe đối lập. Lực lượng đối lập này đến Thụy Sĩ với mục đích duy nhất: lật đổ ông Assad. Nhưng chính phủ Syria tuyên bố, bất kỳ cuộc bàn thảo nào đề cập việc lật đổ nhà lãnh đạo của quốc gia Trung Đông này đều là “vạch đỏ” và đương nhiên sẽ bị ngăn chặn.

Lãnh đạo Liên minh dân tộc Syria, ông Ahmad al-Jarba, nói rằng mục đích của hội nghị hòa bình là lập một chính phủ chuyển tiếp và ông ủng hộ điều này. Kể từ tháng 3-2011 đến nay, đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Syria và phe đối lập gặp gỡ mặt đối mặt tại một sự kiện quốc tế. Song, “ý tưởng” của Liên minh dân tộc Syria không nhận được sự ủng hộ của chính phủ Assad. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem nhấn mạnh: Không ai có quyền loại bỏ Tổng thống Assad, ngoại trừ chính người dân nước ông. Ngoại trưởng Moallem muốn các cường quốc ngừng “ủng hộ khủng bố” và dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Damascus. Ông khăng khăng rằng, tương lai của Tổng thống Assad không phải là vấn đề để thảo luận.

Reuters cho biết, dù sự thành công của hội nghị rất mong manh nhưng các nhà ngoại giao có mặt ở sự kiện hiếm hoi này tin rằng, chỉ riêng việc đưa được cả hai bên (chính phủ Syria và phe đối lập) vào bàn đàm phán đã là thành công lớn, đồng thời là một bước đi quan trọng. Cả Mỹ lẫn Nga - một bên ủng hộ phe đối lập, muốn Tổng thống Syria từ chức; một bên là đồng minh của Assad - đều thúc đẩy tiến trình hòa bình. Hai cường quốc này là những nhà bảo trợ cho hội nghị ở Thụy Sĩ, mặc dù cả hai tỏ rõ sự bất đồng trong vấn đề liên quan đến tương lai của ông Assad từ hội nghị Geneva 1 (tháng 6-2012).

Tiếng nói của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon dường như rất mờ nhạt, ngoại trừ việc ông kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho các khu vực chiến sự ở Syria. Có lẽ nguyên nhân do đến giờ phút cuối, ông lại loại bỏ tư cách tham dự hội nghị của Iran, một đồng minh của Tổng thống Assad vì cho rằng Tehran không thực hiện cam kết.

Vẫn tức giận vì không thể đến Thụy Sĩ, Iran bày tỏ sự hoài nghi về thành công của Geneva 2 vì “thiếu các bên có ảnh hưởng” như Tehran. Tổng thống Iran Hassan Rowhani nói rằng, ông nghi ngờ việc Geneva 2 có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Syria.

Tương lai của ông Assad vẫn là dấu hỏi và chưa có dấu hiệu nào cho thấy, các hội nghị tại Montreux hay tại Geneva vào ngày 24-1 sẽ mang lại những “cái bắt tay” thật sự cho vấn đề Syria.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.