(ĐNĐT) - Mỹ đã mô tả những quy định mới của Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin phép Bắc Kinh khi hoạt động trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là “khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng”.
Mỹ phản đối quy định buộc tàu cá nước ngoài báo cáo Bắc Kinh khi hoạt động trên vùng tranh chấp trên Biển Đông. |
Từ tháng 1, Trung Quốc đã yêu cầu các tàu đánh cá nước ngoài phải được họ chấp thuận trước khi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Hôm 9-1, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Trung Quốc không có giải thích nào theo luật quốc tế cho những quy định mới và “Quan điểm lâu nay của chúng tôi là tất cả các bên liên quan cần tránh bất kỳ hành động đơn phương nào làm tăng sự căng thẳng và làm suy yếu các triển vọng cho một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”.
“Việc ban hành quy định hạn chế hoạt động của các tàu cá các nước trong vùng tranh chấp trên Biển Đông là một hành động khiêu khích và nguy hiểm”.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hua Chunying cho biết, quy định về việc sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên biển là một hành động bình thường.
Các quy định mới của Trung Quốc không đề ra hình phạt, nhưng các yêu cầu tương tự như luật năm 2004 rằng, tàu cá vào lãnh thổ Trung Quốc mà không có sự cho phép có thể bị bắt, bị tịch thu thiết bị đánh cá và bị phạt lên đến 82.600 USD.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez cho biết, Manila đã yêu cầu Đại sứ quán nước này tại Bắc Kinh thu thập thêm thông tin về các quy định này.
Trước đó, Mỹ đã phản đối Trung Quốc về việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao gồm cả khu vực Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngay lập tức, Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 vào khu vực ADIZ của Trung Quốc.
Lê Na (Aljazeera)