.

Ngày bầu cử sớm đầy bất ổn

.

Đất nước Thái Lan vẫn đang chia rẽ dù ngày 26-1 diễn ra bầu cử sớm, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-2 tới.

 Những người biểu tình bao vây các điểm bỏ phiếu tại Bangkok.      Ảnh: AFP
Những người biểu tình bao vây các điểm bỏ phiếu tại Bangkok. Ảnh: AFP

AP cho biết, khoảng 49 triệu cử tri trong tổng số 64 triệu dân đủ điều kiện đi bỏ phiếu. Trong đó, 2,16 triệu người tham gia bầu cử sớm vào ngày 26-1 tại 152 địa điểm trên khắp đất nước, tại Bangkok có đến 50 điểm.

Những người biểu tình chống chính phủ bao vây các điểm bỏ phiếu, ngăn cản cử tri đi bầu. Các nhà chức trách phải đóng cửa 45 điểm bỏ phiếu ở Bangkok và 11 điểm ở miền nam. Suthin Taratin, một trong những thủ lĩnh của phe biểu tình, bị bắn vào đầu khi đứng phát biểu trên một xe tải ở đông nam Bangkok. Ông tử vong tại bệnh viện sau đó. Ngoài ra còn có 11 người khác bị thương.

Sự việc lần này là đòn giáng mới nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà Yingluck vốn kiên quyết tổ chức tổng tuyển cử để tháo gỡ khủng hoảng kéo dài trong nhiều tháng qua do các cuộc biểu tình trên đường phố, và cũng để bà vượt qua các cáo buộc tham nhũng mà tiếp tục nắm quyền.

Kết quả bỏ phiếu sớm ngày 26-1 là tiền đề cho cuộc bầu cử chính thức sắp tới. Cả Ủy ban Bầu cử lẫn những người biểu tình đều muốn bà Yingluck hoãn tổng tuyển cử. Các quan chức đảng cầm quyền cuối tuần qua nói rằng, họ sẵn sàng hoãn bỏ phiếu, nhưng chỉ khi nào chấm dứt các cuộc biểu tình và đảng đối lập không tẩy chay sự kiện này nữa. Song, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đối thủ của Thủ tướng Yingluck đồng ý với điều kiện này. Nhà lãnh đạo nữ 47 tuổi và Ủy ban Bầu cử dự kiến gặp gỡ vào ngày mai (28-1) để thảo luận về việc bỏ phiếu.

Các nhà phân tích cho rằng, thậm chí nếu cuộc bầu cử ngày 2-2 vẫn diễn ra thì khủng hoảng chưa thể chấm dứt. Nguyên nhân do những người biểu tình phong tỏa việc đăng ký tranh cử ở một số khu vực hồi tháng trước nên sẽ không thể lấp đầy các ghế nghị sĩ. Một số điểm ở phía nam hiện chưa có ứng viên. Vì vậy, Quốc hội sẽ không thể nhóm họp và điều này đương nhiên ngăn cản hình thành nội các mới. Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Bắc Chiang Mai, Paul Chambers, việc gián đoạn bỏ phiếu là động lực để kêu gọi hoãn tổng tuyển cử.

Chính phủ lâm thời của Thái Lan cảnh báo bất kỳ ai ngăn cản bầu cử sẽ phải đối mặt với án tù hoặc bị phạt tiền, hoặc cả hai. Nhưng việc hoãn bầu cử dù xảy ra đi chăng nữa cũng không phải là giải pháp cho bế tắc hiện tại ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.

Điều đáng nói là các tòa án và các cơ quan giám sát độc lập của Thái Lan, rồi cả Ủy ban Bầu cử đang có hướng chống lại “cổ máy chính trị Shinawatra”. Nữ Thủ tướng Yingluck hiện đối mặt nhiều nguy cơ có thể kết thúc sự nghiệp chính trị, thậm chí Đảng Puea Thai của bà sẽ mất cơ hội nắm quyền do cáo buộc tham nhũng hoặc vi phạm Hiến pháp. Việc Tòa án Hiến pháp cuối tuần qua tuyên bố có thể hoãn sự kiện bầu cử ngày 2-2 đã minh chứng rõ điều này.

Áp lực đang đè nặng lên bà Yingluck bởi không dễ gì xoa dịu được làn sóng biểu tình. Hơn nữa, cũng không dễ hàn gắn được sự chia rẽ đang ăn sâu trong các tầng lớp xã hội ở Thái Lan. Và nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Dòng họ Shinawatra sẽ tiếp tục nắm quyền hay bà Yingluck sẽ ra đi như anh của mình, ông Thaksin?

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.