.

Nhật, Trung và "chúa tể hắc ám Voldermort"

.

Lord Voldermort - nhân vật phản diện trong bộ truyện Harry Porter - vừa được nhà ngoại giao Nhật Bản dùng để gắn cho Trung Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe (phải) đến thăm đền Ise ở thành phố Ise, thuộc tỉnh Mie, vào ngày 6-1. 							Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe (phải) đến thăm đền Ise ở thành phố Ise, thuộc tỉnh Mie, vào ngày 6-1. Ảnh: Reuters

Trong bài viết đăng trên báo Daily Telegraph ngày 6-1, Đại sứ Nhật Bản tại Anh Keiichi Hayashi so sánh Bắc Kinh với Lord Voldermort, nhân vật hắc ám trong truyện Harry Potter - bộ tiểu thuyết bán chạy với hàng triệu bản của nhà văn JK Rowling. Ông Hayashi viết: “Đông Á đang ở ngã ba đường. Có hai con đường mở ra trước mặt Trung Quốc”.

Nhà ngoại giao Hayashi nói rằng, một là đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế; một là trở thành Voldertmort của khu vực, chạy đua vũ trang và leo thang căng thẳng, mặc dù về phía mình thì Nhật sẽ không đẩy căng thẳng leo thang. Voldermort là phù thủy làm đảo lộn những phép thuật thông thường và đạt sự bất tử nhờ pháp thuật đen. Voldermort được gọi bằng cái tên The Dark Lord (chúa tể hắc ám).

AFP dẫn lời ông Hayashi khẳng định: “Dù Trung Quốc từ chối đối thoại với Nhật nhưng tôi hy vọng nước này sẽ hướng về phía trước chứ không tiếp tục lôi ra bóng ma chủ nghĩa quân phiệt đã chết từ cách đây 7 thập niên. Việc Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực làm Nhật Bản cũng như các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông lo ngại”.

Vị đại sứ Nhật Bản lý giải việc Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni vào ngày 26-12-2013 chỉ là hành động tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh, chứ chuyến thăm không có nghĩa là “tỏ lòng tôn kính tội phạm chiến tranh hay ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt”.

Những nhận định trên là phản ứng của Nhật Bản đối với bài viết cũng được đăng trên báo Daily Telegraph vào ngày 1-1 của Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh. Trong bài viết này, ông Lưu Hiểu Minh chỉ trích gay gắt việc Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni - ngôi đền bị Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ.

Khi chỉ trích Tokyo, Đại sứ Lưu Hiểu Minh cũng đề cập nhân vật Voldermort. “Nếu chủ nghĩa quân phiệt là cái bóng của Voldermort tại Nhật Bản thì ngôi đền Yasukuni chính là chiếc Trường sinh linh giá, đại diện cho phần đen tối nhất của linh hồn Nhật Bản”, ông Lưu Hiểu Minh viết. Trong truyện Harry Potter, Trường sinh linh giá là vật mà “chúa tể hắc ám Voldermort” cất giữ một mẩu linh hồn của mình sau khi giết người để đạt đến sự bất tử.

Cũng trong ngày 6-1, Thủ tướng Abe nói rằng, ông muốn gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc để lý giải nguyên nhân thăm đền Yasukuni. Theo người đứng đầu chính phủ Nhật Bản, các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau để giải quyết sự đối kháng xung quanh việc tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử.

Ông Abe cho biết, hiện không có kế hoạch hội nghị thượng đỉnh nào nhưng cánh cửa đối thoại vẫn mở. “Tôi muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung và Nhật - Hàn”, ông Abe nói.

Khi thăm đền Yasukuni vào ngày 26-12-2013, ông Abe từng nhấn mạnh việc đối thoại với Trung Quốc và Hàn Quốc là điều “cực kỳ quan trọng cho hòa bình và an ninh của khu vực”. Tuy nhiên, phản ứng với chuyến thăm này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Thủ tướng Nhật Bản sẽ không được chào đón ở Bắc Kinh cho đến khi ông thừa nhận sai lầm. Lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, để hàn gắn rạn nứt với Bắc Kinh, ông Abe cần thể hiện sự chân thành và có các nỗ lực cụ thể trong việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.