“Muốn hiểu chính xác về kinh tế, văn hóa của một vùng đất, một thành phố, không đâu tốt bằng ra chợ”, câu nói đâu đó trong sách đã thôi thúc tôi đến làm việc tại chợ cá Sydney - thị trường thủy sản lớn thứ hai của thế giới (sau Nhật Bản). Và tôi hoàn toàn bất ngờ trước quy mô cũng như cách người dân nơi đây bán, mua, thưởng thức, cả hướng dẫn nhau chế biến các món ăn đa dạng từ hải sản.
Những sản phẩm hải sản tươi sống được nhập về trong ngày luôn đáp ứng yêu cầu của cả những khách hàng khó tính nhất. Ảnh: MAI TRANG |
Cụm từ “chợ cá” và “bán cá” khiến tôi và có lẽ không ít người Việt Nam hình dung sự hỗn độn, mất vệ sinh, tanh hôi của chợ và sự chao chát, vội vã giữa người mua, người bán. Tuy nhiên, chợ cá Sydney - bằng sự rộn ràng, tấp nập nhưng lịch thiệp trong cách mua và bán - đã chứng minh cho tôi thấy suy nghĩ trên là hoàn toàn sai.
Chợ cá Sydney nằm trong vịnh Blackwattle, cách trung tâm thương mại Sydney của Úc 2km về phía tây. Chợ được thành lập vào năm 1945 bởi chính quyền bang New South Wales và được tư nhân hóa vào năm 1994. Điều đặc biệt khi bước chân vào chợ là hoàn toàn không có mùi tanh hôi, toàn khu chợ không có ao tù, nước đọng và người đến mua cá thường được gọi là “du khách”, bởi họ đến không chỉ đơn thuần để mua mà còn để tham quan, nấu và thưởng thức hải sản ngay tại chợ, bên thảm cỏ xanh ngút mắt và những chú hải âu hiền hòa.
Tại chợ cá Sydney, bất kỳ du khách nào cũng có thể tìm hiểu về nguồn gốc hải sản trong chợ, về quy trình mà chợ đã và đang làm để hải sản luôn được tươi sống hay những nhà hàng cao cấp trong thành phố đang lấy hải sản từ đâu. Tất cả băn khoăn, thắc mắc của du khách đều được giải đáp thông qua những tour tham quan toàn chợ, nơi du khách có thể trực tiếp chứng kiến hơn 2.800 thùng (khoảng 50 tấn) hải sản tươi được bán đấu giá mỗi ngày thông qua hệ thống máy vi tính kết nối với 150 nhà mua sỉ, hoặc trải nghiệm sự đa dạng đáng kinh ngạc của tất cả các loại hải sản có nguồn gốc từ các ngư dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở Úc, New Zealand và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặc cho cái nắng oi nồng có khi lên đến 46 độ C của mùa hè nước Úc, mặc cho những lần chợ mở cửa xuyên đêm và người bán đã làm việc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí chỉ ngủ 3 tiếng đồng hồ/ngày đêm, mặc cho người mua có thể không thành thạo tiếng Anh…, thì sự lịch thiệp, thân thiện vẫn luôn luôn thường trực trong từng gian hàng của chợ cá. Không chèo kéo người mua, không trả giá hay mặc cả, không thô lỗ với khách hàng là tiêu chí chung, là nội quy cho bất kỳ ai muốn làm việc tại chợ cá.
Chứng kiến người bán giải thích tỉ mỉ, cặn kẽ cho người mua tất cả thông tin về các loài hải sản của Úc, về bí quyết lựa chọn, lưu trữ hải sản, về kỹ thuật lột da cá, làm sạch bào ngư, bóc vỏ sò, tước mực cùng với hơn 80 công thức nấu hải sản được tập hợp trong suốt chiều dài hình thành và phát triển chợ; chứng kiến việc gian hàng cá lật tung cả kho lạnh chỉ để tìm một con cá hồi đúng 3kg cho vị khách Nhật Bản, tôi mới thấm thía hết lời căn dặn của người quản lý chợ cá trong ngày đầu làm việc: “Uy tín và danh tiếng của chợ phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng. Lợi nhuận của chợ cũng như thu nhập của người bán cá bắt nguồn từ đây. Do đó, bán cá không chỉ đơn thuần là chào mời, chọn cá, lấy tiền mà còn là quá trình làm bạn với khách hàng, phải làm sao để mỗi khách hàng đều cảm thấy thoải mái nhất và chắc chắn sẽ có mong muốn quay lại đây, dù là khách trong hay ngoài nước”.
Mô hình làm cá chuyên nghiệp, sạch sẽ khi tất cả nhân viên đều mang đồng phục, găng tay, ủng cùng hệ thống nước thải hiện đại và mạng lưới bán hàng qua mạng… đòi hỏi nền kinh tế phát triển đến một trình độ nào đó mới làm được. Tuy nhiên, thái độ hòa nhã, thân thiện, trung thực với khách, làm tất cả để khách vừa lòng có lẽ là điều không cần lắm đến sự phát triển vượt trội của kinh tế. Nhiều lúc sau một ngày làm việc, trở về nhà trọ, tôi lại ao ước: Đà Nẵng có một chợ không nói thách, hàng hóa bán không ăn gian, và nhất là cá không được ướp giữ bởi bất kỳ loại hóa chất nào.
MAI TRANG