(ĐNĐT) - Ngày 21-1, Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày tại thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận nhằm đối phó với các cuộc biểu tình lớn nhằm mục đích lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình bị loại trừ.
Một người biểu tình bị thương trong cuộc biểu tình “đóng cửa Bangkok” ngày 17-1-2014. Ảnh: Reuters |
Động thái trên diễn ra sau nhiều tuần biểu tình căng thẳng, làm tê liệt nhiều nơi tại thủ đô Bangkok và làm bộc phát bạo lực ở một số khu vực, kể cả ném lựu đạn và nổ súng vào những người biểu tình.
Tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ giám sát truyền thông, cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên, một số nơi cấm đi lại và bắt giữ các nghi phạm.
Vào năm 2010, chính quyền Thái Lan đã từng ban bố tình trạng khẩn cấp khi đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ. Hàng chục người đã thiệt mạng trong một cuộc trấn áp đẫm máu vào năm đó.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết bà không có kế hoạch giao cho quân đội đi đầu trong việc thực hiện tình trạng khẩn cấp, vốn có hiệu lực kể từ ngày mai (22-1).
Phát biểu với báo giới, bà Yingluch cho hay, để không xảy ra bạo lực như năm 2010, chính phủ Thái đang tập trung vào lực lượng cảnh sát. Chính quyền sẽ bắt đầu thương lượng.
Hiện bà Yingluck đang chịu sức ép căng thẳng từ những người biểu tình phải từ chức sau 2 tháng biểu tình trên đường phố Bangkok. Phe biểu tình chống đối chính phủ do cựu nghị sĩ Suthep Thaugsuban làm thủ lĩnh muốn bà Yingluck phải ra đi cùng với nội các. Thay vào đó, một “hội đồng nhân dân” không bầu cử sẽ được lập ra nhằm giám sát các cải cách chính trị.
Quang Hiển (theo CNA, BBC)