(ĐNĐT) - Sáng nay (26-1), những người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã bao vây các điểm bầu cử tại Bangkok và ngăn cản các cử tri đi bỏ phiếu sớm, trước cuộc bầu cử chính thức trên toàn quốc vào ngày 2-2 tới.
Tay trong tay, người biểu tình lập một vành đai ngăn cản những cử tri đi bầu cử sớm tại thủ đô Bangkok, ngày 26-1-2014. Ảnh: AFP |
Hơn 2 triệu cử tri đã đăng ký bỏ phiếu sớm trước ngày 2-2 theo lịch trình mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra đề xuất nhằm giảm thiểu căng thẳng chính trị sau nhiều tuần biểu tình lớn tại Bangkok.
Những người biểu tình đã đổ về hàng chục điểm bỏ phiếu tại Bangkok và một số tỉnh miền nam, ngăn cấm các quan chức bầu cử và cử tri vào bỏ phiếu. Tình thế này buộc các cơ quan bầu cử phải đóng cửa ít nhất 34 điểm bỏ phiếu.
Hiện chưa có báo cáo về tình hình bạo lực, tuy nhiên, truyền hình Thái Lan đã tường thuật các cuộc đụng độ giữa cử tri với những người biểu tình ở một số điểm bỏ phiếu. Sự cố này đang gây nên mối quan ngại về sự hỗn loạn nếu chính phủ tiếp tục tổ chức bầu cử vào ngày Chủ nhật tới (2-2).
Tổng thư ký Ban bầu cử quốc gia, ông Puchong Nutrawong, cho biết ít nhất 34 trong số 50 điểm bỏ phiếu tại Bangkok đã bị đóng cửa.
Các quan chức bầu cử tại các điểm bỏ phiếu không thể vào bên trong do những người biểu tình ngăn cản. Các tỉnh miền nam, đại bản doanh của phe biểu tình cũng đã báo cáo các vấn đề tương tự, ông Nutrawong cho biết.
Bầu cử sớm được dành cho những người không thể tham gia bỏ phiếu vào ngày 2-2 tới và đây là việc làm bình thường. Tuy nhiên, lần này bầu cử sớm được xem là phép thử về khả năng tổ chức cuộc bầu cử chính thức vào tuần tới mà không xảy ra bạo lực.
Tới nay, Thủ tướng Yingluck vẫn từ chối việc từ chức hoặc trì hoãn cuộc bầu cử mà bà đã đề xuất. Bà dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức bầu cử vào ngày thứ Ba tới (28-1), sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết cuộc tổng tuyển cử có thể được trì hoãn một cách hợp pháp do khủng hoảng.
Trong khi đó, những người biểu tình muốn lật đổ chính phủ và dựng nên “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để thực hiện những cải cách được xác định một cách lỏng lẻo mà họ hy vọng sẽ loại bỏ sự ảnh hưởng của gia đình của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan.
Quang Hiển (theo CNA, BBC)