Sắc lệnh khẩn cấp trong 60 ngày được ban bố ở Bangkok không làm thủ đô Thái Lan yên ắng hơn.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới ở Bangkok sau khi ban bố sắc lệnh khẩn cấp. Ảnh: Reuters |
Biểu tình vẫn diễn ra vào ngày 22-1 trên đường phố Bangkok, bất chấp sắc lệnh khẩn cấp được ban bố vào đêm trước đối với thủ đô và 3 tỉnh lân cận. Theo đó, các nhà chức trách có quyền cấm tụ tập đông người, bắt giữ nghi phạm, áp đặt lệnh giới nghiêm và kiểm duyệt báo chí địa phương trong vòng 60 ngày. Chính phủ kỳ vọng sắc lệnh sẽ xoa dịu được căng thẳng vốn đang có chiều hướng chuyển thành bạo lực. Khủng hoảng chính trị trở nên nghiêm trọng ở Thái Lan khi trong các cuộc biểu tình từ tháng 11 năm ngoái đến nay, có ít nhất 9 người chết và 554 người khác bị thương.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan nói rằng sẽ không trấn áp phe biểu tình - những người đã và đang thực hiện chiến dịch “đóng cửa Bangkok”, đồng thời không triển khai thêm lực lượng an ninh. Trong quá khứ, sắc lệnh khẩn cấp ở Thái Lan thường đi kèm việc triển khai các nhân viên an ninh nhằm duy trì trật tự trên đường phố.
Reuters ngày 22-1 cho biết, khủng hoảng chính trị đang làm tổn hại ngành du lịch và niềm tin của các nhà đầu tư ở Thái Lan. Song, theo Ngân hàng Trung ương của quốc gia Đông Nam Á này, tác động của cuộc khủng hoảng chỉ trong thời gian ngắn. |
Chính phủ còn cho hay, cuộc sống ở thủ đô đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, tình hình hiện tại phủ bóng lên các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2 tới. Đó là chưa kể Ủy ban Bầu cử Thái Lan yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết hoãn việc bỏ phiếu.
Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Charupong Ruangsuwan nói rằng, tổng tuyển cử vẫn sẽ được tiến hành và Ủy ban Bầu cử không nên dùng sắc lệnh khẩn cấp làm cái cớ để hoãn bỏ phiếu. “Họ (Ủy ban Bầu cử) có thể dùng bất kỳ lý do gì mà họ muốn, nhưng nhiệm vụ của họ là tổ chức bầu cử”, ông Charupong nói.
Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai Paul Chambers nhận định: Sắc lệnh khẩn cấp nhằm bảo vệ hợp pháp cho bà Yingluck nếu cảnh sát “mạnh tay” với người biểu tình. Thực tế, việc ban bố sắc lệnh khẩn cấp không mang lại hiệu quả như chính phủ Thái Lan mong muốn. Trái lại, theo AP, sắc lệnh này dường như khuyến khích những người biểu tình. Lãnh đạo lực lượng tuần hành chống chính phủ, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cam kết tiếp tục biểu tình và hoài nghi về tính hợp pháp của sắc lệnh, bởi ông cho rằng biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình.
Đáng lưu ý là trong ngày 22-1, Kwanchai Praipana - lãnh đạo phe áo đỏ thân chính phủ - bị thương ở tay và chân do bị bắn ngay tại nhà riêng ở tỉnh Udon Thani, phía đông bắc Thái Lan - nơi vốn được xem là “thành trì” của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Theo Reuters, vụ việc này đánh dấu bạo lực đang trở lại Bangkok. Kwanchai là người cảnh báo về cuộc đấu tranh trên khắp cả nước nếu quân đội tiến hành đảo chính. Ông cũng dẫn đầu hàng ngàn người ủng hộ chính phủ ở Udon Thani. Cảnh sát cho rằng, vụ bắn ông mang động cơ chính trị.
Với Thủ tướng Yingluck, sức ép càng lúc càng gia tăng, nhất là khi nông dân - những cử tri chính của bà- dọa quay sang ủng hộ những người biểu tình nếu họ không được chính phủ trả tiền trợ giá gạo.
THIÊN BÌNH