Cơ quan thực thi Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tuyên bố sẽ bắt giữ ông Suthep Thaugsuban với tội danh “nổi loạn”.
Thái Lan rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay trong ngày bầu cử sớm (Ảnh: AP) |
Thái Lan rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay trong ngày bầu cử sớm khi phe biểu tình chống Chính phủ tìm mọi cách ngăn cản cuộc bầu cử và đã xảy ra bạo lực gây thương vong. Nếu bạo lực bùng phát có thể dẫn đến khả năng quân đội phải can thiệp để ổn định tình hình và khi đó phe ủng hộ Chính phủ sẽ xem đây là hành động ủng hộ các cuộc biểu tình chống Chính phủ, càng làm cho căng thẳng gia tăng.
Ông Suthep hiện đang bị truy nã theo lệnh của tòa án và chiến dịch bắt giữ ông Suthep được dự báo là sẽ căng thẳng bởi sự kháng cự có vũ trang của các vệ sĩ. Theo luật pháp Thái Lan, trong tình hình hiện nay, khi chính quyền đang áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp, cảnh sát có quyền bắt giữ người trong vòng 30 ngày mà không cần phải có sự đồng ý của tòa án.
Sau khi một thủ lĩnh biểu tình bị bắn chết trong ngày bầu cử sớm, ông Suthep ngày 27/1 kêu gọi các tư lệnh cấp cao của quân đội cử binh sĩ tới bảo vệ người biểu tình trước những cuộc tấn công. Người biểu tình cho rằng quân đội nên can thiệp để ổn định tình hình: “Quân đội cần bảo vệ người dân. Họ phải bảo vệ chúng tôi. Tôi không muốn một cuộc đảo chính. Họ cần ở đây vì lý do an ninh”.Như vậy cho đến nay đã có 10 người chết và hàng chục người bị thương kể từ khi người biểu tình đổ xuống đường phố hồi tháng 11 năm ngoái và tuyên bố sẽ “chiếm đóng” Bangkok để gây sức ép buộc thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức.
Trong cuộc bầu cử sớm ngày 26/1, 45 trên tổng số 50 điểm bỏ phiếu ở Bangkok bị đóng cửa, hoạt động bỏ phiếu sớm tại 10 tỉnh bị gián đoạn do các hành động cản trở của lực lượng phản đối Chính phủ. Điều này trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố trước đó của phong trào biểu tình rằng họ không ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu và chỉ kêu gọi lựa chọn tiến hành cải cách trước bầu cử.Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan đã phải ra thông báo hướng dẫn các quan chức bầu cử địa phương ngừng cho tiến hành bỏ phiếu và rút vào các khu vực an toàn nếu những địa điểm đó bị người biểu tình bao vây. Một quan chức Ủy ban bầu cử Somsak Kaemket cho biết:“Nếu chúng tôi không rời đi, tôi lo ngại một số người có thể tạo ra sự hỗn loạn. Chúng tôi rời đi để giảm khả năng xung đột”.
Ủy ban Bầu cử quốc gia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Yingluck vào chiều 28/1 nhằm thảo luận các biện pháp chấm dứt sự rạn nứt trong xã hội trước một cuộc bầu cử mới. Theo truyền thông Thái Lan, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul khẳng định quan điểm của Chính phủ sẽ không hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới khi 90% công tác bầu cử sớm đã được thực hiện.Mặc dù vậy, Chính phủ Thái Lan rất khó có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ của Ủy ban bầu cử quốc gia, cơ quan có quyền yêu cầu quân đội và cảnh sát trợ giúp bảo vệ các điểm bỏ phiếu bị người biểu tình bao vây, cản trở.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguy cơ đụng độ giữa lực lượng biểu tình chống Chính phủ với cảnh sát cũng như với phe ủng hộ Chính phủ sẽ ngày càng gia tăng nếu cơ quan thực thi Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp triển khai chiến dịch bắt giữ ông Suthep. Điều này dẫn đến khả năng quân đội buộc phải can thiệp, dập tắt bạo lực, bình ổn an ninh. Trong trường hợp này, phe Áo Đỏ ủng hộ Chính phủ sẽ kịch liệt phản đối sự can thiệp của quân đội khi xem đây là động thái ủng hộ các cuộc biểu tình chống Chính phủ.
VOV