Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố sẽ không từ chức. Còn lãnh đạo phe biểu tình, ông Suthep Thaugsuban, dọa bắt giữ bà cùng các bộ trưởng chủ chốt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những người biểu tình chống chính phủ tập trung bên ngoài trụ sở Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ở Bangkok. Ảnh: AP |
Căng thẳng chính trị leo thang ở Thái Lan trong ngày thứ hai Bangkok bị đóng cửa. Ngày 14-1, hàng ngàn người biểu tình tuần hành ở các tòa nhà chính phủ tại thủ đô như Bộ Thương mai, Bộ Lao động, Bộ Thông tin, Cơ quan Hải quan…, ngăn cản các quan chức đến công sở làm việc và gây áp lực đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Satish Sehgal, một lãnh đạo tuần hành, cho rằng tham nhũng đang tràn lan ở Thái Lan. “Gia đình trị. Mục tiêu của chúng tôi là nỗ lực loại bỏ tất cả điều này”, Satish Sehgal nói.
Nhiều người biểu tình ngủ trong những lều bạt hoặc trên những tấm thảm ở đường phố, với quyết tâm lật đổ chính phủ. Đến từ tỉnh Rayong, Preecha Chamdee (46 tuổi), nói rằng bầu cử không phải là câu trả lời bởi dòng họ Shinawatra sẽ chiến thắng một lần nữa.
AP cho hay, chiến dịch “đóng cửa Bangkok” không làm cuộc sống của hầu hết người dân ở thủ đô bị ảnh hưởng. Ngày 14-1, các trường học và nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Báo Bangkok Post dẫn lời bà Yingluck khẳng định bà vẫn là Thủ tướng lâm thời và sẽ tham gia cuộc gặp với các bên khác nhau để thảo luận về đề xuất hoãn cuộc bầu cử ngày 2-2. Đề xuất này do Ủy ban Bầu cử (EC) đưa ra. Cuộc họp diễn ra hôm hay (15-1) sẽ bàn thảo về việc có hoãn bầu cử hay không. Bà Yingluck muốn lắng nghe quan điểm của các bên liên quan, trong đó có các thành viên của EC. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đối lập và ngay cả EC cũng từ chối tham gia cuộc gặp gỡ này. Theo Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana, EC nên tham gia cuộc họp bởi chính cơ quan này đã đề xuất hoãn bỏ phiếu.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới ở Bangkok ngày 14-1, nữ Thủ tướng 47 tuổi, em gái của ông Thaksin Shinawatra, nói rằng bà muốn sự ổn định chính trị. Nhiệm vụ của bà là bảo vệ nền dân chủ và dân chủ thuộc về nhân dân. Theo các nhà phân tích, tuyên bố này của bà Yingluck là phản ứng đối với yêu cầu của những người biểu tình về việc bà phải từ chức để mở đường cho tiến trình cải cách trước thềm bầu cử.
Thực tế, Thủ tướng Yingluck đang nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng. Bà đã giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử vào ngày 2-2. Tuy nhiên, nỗ lực của bà không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện vẫn dấy lên quan ngại liệu bầu cử có diễn ra hay không, trong lúc cả những người biểu tình lẫn Đảng Dân chủ đều kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Lãnh đạo phe biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cho biết, những người biểu tình sẽ di chuyển tới bao vây toàn bộ văn phòng chính phủ trong 1-2 ngày tới. Ông dọa bắt giữ Thủ tướng Yingluck và các bộ trưởng chủ chốt nếu họ không chịu từ chức, đồng thời cắt điện và nước ở nhà của các quan chức này.
Song, trước những căng thẳng, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul vẫn khẳng định chính phủ có thể kiểm soát được tình hình và hàng loạt giải pháp sẽ được thực hiện để bảo đảm an toàn cho du khách và hoạt động bình thường của các chuyến bay.
THIÊN BÌNH