.

Tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông: Nhật tìm đồng minh ở Davos

.

Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) từ lúc khai mạc vào ngày 22-1 đã trở thành nơi để Nhật Bản tìm kiếm đồng minh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi hạn chế việc mở rộng quân sự ở châu Á.Ảnh: AFP
Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi hạn chế việc mở rộng quân sự ở châu Á.Ảnh: AFP

Phát biểu tại Davos, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi hạn chế việc mở rộng quân sự ở châu Á, nếu không sẽ khó kiểm soát được tình hình. “Nếu hòa bình và sự ổn định ở châu Á lung lay thì cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền”, ông Abe nói. Theo AFP, mặc dù ông Abe không đề cập Trung Quốc nhưng nhà lãnh đạo này hàm ý rằng, chính việc tăng cường chi tiêu quân sự của Bắc Kinh khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng.

Là người nổi tiếng với học thuyết “Abenomics” nhằm nỗ lực kết thúc 2 thập niên lạm phát ở Nhật Bản, Thủ tướng Abe xem châu Á là khu vực đầy tiềm năng và tạo đà tăng trưởng kinh tế của thế giới. Ông thúc giục Trung Quốc cùng “một Nhật Bản đang hồi sinh” tạo ra các hệ thống ngăn chặn tranh chấp. Nhà lãnh đạo Tokyo cho rằng, niềm tin - chứ không phải sự căng thẳng - là yếu tố then chốt của hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, cũng như của thế giới. “Điều này chỉ có thể có được thông qua đối thoại và luật pháp, chứ không bằng vũ lực hay sự ép buộc nào”, ông Abe khẳng định.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế John Chipman cũng nhận định: Triển vọng tốt nhất để tránh các tranh chấp leo thang giữa hai cường quốc châu Á là tiến hành đàm phán về quân sự để tìm kiếm các giải pháp xây dựng niềm tin.

Thực tế, sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Trung Quốc làm “nóng” khu vực châu Á. Nhật Bản muốn “người láng giềng khổng lồ” thống nhất chia sẻ chi tiết về chi tiêu quốc phòng, hỗ trợ thiết lập cơ chế để giải quyết khủng hoảng, đồng thời thiết lập các kênh thông tin giữa lực lượng của hai nước. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á căng thẳng trong những năm gần đây. Hơn nữa, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không bao phủ khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 11 năm ngoái, rồi chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe vào cuối tháng 12 càng làm mối quan hệ này bị “đóng băng”.

Tại Davos, Thủ tướng Nhật Bản so sánh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh với tình trạng thù địch giữa các cường quốc châu Âu khi chuẩn bị Thế chiến thứ I. Ông Abe nói rằng, Nhật Bản và Trung Quốc đang trong tình trạng tương tự Anh - Đức trước năm 1914, nghĩa là dù mối quan hệ kinh tế giữa London và Berlin chặt chẽ như thế nào đi nữa thì cũng không ngăn cản được xung đột. Ông Abe muốn Tokyo và Bắc Kinh tránh lặp lại sai lầm của hai quốc gia châu Âu này, nhưng các liên kết thương mại rộng rãi hiện tại cũng không ngăn cản được “thái độ thù địch” giữa các nước.

Trong lúc đó, học giả Trung Quốc Wu Xinbo lên tiếng chỉ trích quan điểm của Thủ tướng Abe và gọi ông là “kẻ gây rối”. AP dẫn lời các chuyên gia chiến lược tại Davos cho rằng, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh có thể dẫn đến nguy cơ xung đột lớn nhất thế giới trong năm 2014, bên cạnh những mâu thuẫn giữa Iran và Saudi Arabia.

Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Theo thống kê của Nhật Bản, thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 334 tỷ USD trong năm 2012.

AP cho biết, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns nhấn mạnh rằng, tất cả các bên nên tránh hành động đơn phương khi đưa ra các tuyên bố chủ quyền, và Trung Quốc nên phối hợp với các nước láng giềng giảm căng thẳng ở các khu vực biển Hoa Đông, Biển Đông.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.