Các cuộc biểu tình này chưa qua đi, Thủ tướng Yingluck Shinawatra lại đối mặt với sự chống đối khác của chính những người nông dân từng dành lá phiếu ủng hộ bà lên nắm quyền.
Những người biểu tình dùng xi-măng dựng hàng rào trước Văn phòng Thủ tướng. Ảnh: AP |
Biểu tình ở Bangkok ngày 17-2 có sự tham gia của hơn 10.000 người, trong đó có những nông dân không được trả tiền trong chương trình trợ giá gạo (mua gạo của nông dân giá cao hơn giá thị trường). Reuters cho biết, những người biểu tình bao vây Văn phòng tạm thời của Thủ tướng ở Bộ Quốc phòng, phía bắc Bangkok. Họ dùng xi-măng xây dựng hàng rào trước cổng Văn phòng Thủ tướng để ngăn cản bà Yingluck cùng các bộ trưởng khác đến đây làm việc. Nông dân muốn gặp nữ Thủ tướng để được giải đáp các thắc mắc: khi nào họ được trả tiền mua gạo và liệu họ có được trả tiền hay không. “Chúng tôi sẽ ở lại đây cho đến khi có thể nói chuyện được với Thủ tướng. Nhưng chúng tôi sẽ không tiến vào tòa nhà”, thủ lĩnh nông dân Rawee Rungroeng nói với AFP.
Kể từ tháng 1-2014, bà Yingluck phải tạm làm việc tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở phía bắc Bangkok. Nhưng việc “lánh nạn” của bà xem ra không yên.
Những người biểu tình cũng bao vây Tòa nhà chính phủ. Lãnh đạo phe biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, tuyên bố bà Yingluck sẽ không có cơ hội trở về “đại bản doanh” để làm việc.
Động thái của những người biểu tình diễn ra trong lúc thống kê cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan giảm mạnh trong quý 4 năm ngoái; cụ thể, tăng trưởng chỉ 0,6%. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, nguyên nhân do bất ổn kéo dài và cuộc bầu cử không thành công tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á. Đó là chưa kể chính phủ vẫn trong tình trạng lửng lơ vì cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 vừa qua không được hoàn tất, do phe đối lập tẩy chay sự kiện này.
Chương trình trợ giá gạo đang làm Thủ tướng Yingluck đau đầu. Đảng Puea Thai của bà từng cam kết hỗ trợ nông dân bằng cách mua gạo của họ cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, chương trình này gặp rắc rối về vấn đề tài chính và nhiều nông dân vẫn chưa được trả tiền. Thành ra, chương trình không những gây thiệt hại cho Thái Lan ít nhất 4,46 tỷ USD mà còn khiến chính phủ của bà Yingluck bị bủa vây trong cáo buộc tham nhũng. Hiện tại, cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan đang điều tra các cáo buộc rằng, bà Yingluck vốn là người đứng đầu Ủy ban gạo quốc gia nhưng lại tắc trách trong việc giám sát chương trình.
AP dẫn lời Bộ trưởng Tài chính lâm thời Kittiratt Na-Ranong nêu rõ: chính phủ đã trả 65 tỷ baht (2 tỷ USD) cho nông dân và còn nợ 110 tỷ baht (3,39 tỷ USD). Ông Na-Ranong nói rằng, từ ngày 17-2, chính phủ trả khoản tiền còn lại cho nông dân thông qua một ngân hàng nông nghiệp của nhà nước. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan ước tính chính phủ nợ tiền khoảng 1 triệu nông dân.
Các cuộc đối thoại giữa đại diện cảnh sát với lãnh đạo phe biểu tình vào ngày 16-2 không đạt được thỏa thuận nào trong việc mở lại hoạt động của các cơ quan nhà nước và ngừng phong tỏa các con đường ở phía bắc Bangkok - nơi những người biểu tình chiếm giữ trong nhiều tháng qua.
Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanathabutr cho biết, quân đội và cảnh sát đóng bên trong Văn phòng chính phủ để tránh xung đột với những người biểu tình. Ông Anucha Romyanan, người phát ngôn cơ quan giám sát tình trạng khẩn cấp, cũng xác nhận điều này. “Chúng tôi sẽ đối thoại theo luật”, ông Romyanan nói.
THIÊN BÌNH