Thủ đô Kiev của Ukraine dường như trở thành chiến trường khi cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình đụng độ, làm ít nhất 25 người chết và 241 người khác bị thương.
Những người biểu tình chuyền đá cho nhau để ném vào cảnh sát. Ảnh: Reuters |
Bạo lực lần này đánh dấu khủng hoảng leo thang đến đỉnh điểm trong gần 3 tháng diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ Ukraine. Các nhà quan sát cho rằng, sự chia rẽ giữa một bên thân Nga và một bên thân phương Tây đang thể hiện rõ, thậm chí Ukraine đang đứng bên bờ vực nội chiến. Thế khó đang đặt ra cho Tổng thống Viktor Yanukovych khi việc dọn dẹp bãi chiến trường này là điều không dễ, nhất là nước ông đang đứng trước khả năng bị phương Tây cấm vận. Song, ông Yanukovych chỉ trích đây là âm mưu đảo chính với “bàn tay” của phương Tây.
Chiến trường Kiev
AP cho biết, những người biểu tình đối đầu căng thẳng với cảnh sát vào sáng 19-2. Họ ném đá và bom xăng vào cảnh sát. Lửa và khói ngùn ngụt bốc lên từ khu cắm trại của lực lượng biểu tình. Đêm trước đó, lãnh đạo phe đối lập Vitali Klitschko thúc giục khoảng 20.000 người biểu tình bảo vệ bằng được căn cứ của họ tại Quảng trường Độc lập, vốn được xem là “đại bản doanh” trong nỗ lực lật đổ chính phủ của ông Yanukovych. Song, cảnh sát kêu gọi phụ nữ cùng trẻ em rời khỏi Quảng trường và nói rằng, hoạt động “chống khủng bố” sẽ diễn ra tại đây.
Ông Klitschko muốn Tổng thống Yanukovych cho ngừng hoạt động của cảnh sát. Nhưng ông Yanukovych yêu cầu phải giải tán vô điều kiện dòng người ở Quảng trường Độc lập. Ngày 19-2, thủ lĩnh đối lập Klitschko rời cuộc đàm phán với Tổng thống do không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Tổng thống Yanukovych cho rằng, những người biểu tình đã “vượt giới hạn” khi chiếm giữ các đường phố nhằm tìm cách lật đổ ông. Đồng thời, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải đối mặt với pháp luật.
Biểu tình bắt đầu bùng phát từ tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Yanukovych từ chối hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU) để bắt tay Nga trong một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD. Song thực chất, theo các nhà quan sát, đằng sau việc hợp tác thương mại, cả Nga lẫn phương Tây đều muốn giành ảnh hưởng đối với Ukraine. Đất nước có 46 triệu dân với nền kinh tế trì trệ cùng nạn tham nhũng tràn lan lại trở thành mục tiêu của cuộc đấu tranh địa chính trị giữa Nga và phương Tây.
Căng thẳng ở Ukraine càng gia tăng sau khi Nga nói rằng, Mátxcơva sẵn sàng nối lại việc cho quốc gia đồng minh này vay để cứu vãn nền kinh tế. Điều này khiến phe đối lập lo ngại bởi họ cho rằng, Tổng thống Yanukovych đã thỏa thuận với Nga và sẽ chọn một người trung thành với Mátxcơva làm Thủ tướng.
Cấm vận Ukraine?
Khủng hoảng leo thang ở Ukraine làm Mỹ và EU quan ngại. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, Tổng thống Yanukovych nên ra lệnh cho lực lượng của chính phủ rút lui và hết sức kiềm chế, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ cảm giác “sốc”, mô tả vụ bạo lực là “không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại.
Về phía EU, liên minh này triệu tập cuộc họp bất thường của 28 Ngoại trưởng về vấn đề bạo lực Ukraine vào hôm nay (20-2) và thúc giục nhanh chóng áp đặt cấm vận Kiev. Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cảnh báo bạo lực có thể khiến EU áp dụng các biện pháp trừng phạt những người có trách nhiệm ở Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, Paris và Berlin cũng sẽ thảo luận về khủng hoảng chính trị ở Ukraine cùng việc cấm vận. “Chúng tôi sẽ không thờ ơ. Pháp dự định hành động”, ông Fabius khẳng định. Các đại sứ EU đang nhóm họp ở Brussels (Bỉ) cũng xem xét các bước đi chống Ukraine.
Thực tế, phương Tây muốn Tổng thống Yanukovich xích lại gần EU trong lúc liên minh già cỗi đang kỳ vọng trên đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, giới chính trị Nga cáo buộc phương Tây đang kích động tình hình ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Kiev Yanukovych. Người phát ngôn của ông Putin nói rằng, Nga kiên định chính sách không can thiệp vào tình hình Ukraine.
Trong khi đó, theo Thủ tướng lâm thời Ukraine Dmitry Peskov, chính Nga cũng xem các vụ xung đột gây chết người ở đất nước từng xảy ra “Cách mạng cam” là một âm mưu đảo chính.
PHÚC NGUYÊN