Xung đột giữa cảnh sát và những người biểu tình chống chính phủ ngày 18-2 làm 3 người chết và 59 người khác bị thương.
Một cảnh sát bị thương khi đụng độ với những người biểu tình.Ảnh: AP |
Bạo lực gây chết người xảy ra tại trung tâm Bangkok sau nhiều tháng biểu tình chống lại Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - cuộc khủng hoảng gây chia rẽ chính trị sâu sắc ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong lúc đó, các nhà chức trách Thái Lan quyết tâm đẩy lùi những người biểu tình ra khỏi khu vực xung quanh các cơ quan chính phủ ở Bangkok, vốn bị lực lượng này chiếm giữ từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Trong chiến dịch mang tên “Hòa bình cho Bangkok” ngày 18-2, hàng ngàn nhân viên cảnh sát với khiên và dùi cui triển khai khắp thủ đô, trong đó có lực lượng chống bạo động, để đối phó với khoảng 6.000 người biểu tình.
AP cho biết, tiếng súng vang lên ở gần Văn phòng Thủ tướng khi cảnh sát bắt đầu đẩy lùi đám đông biểu tình, nhưng chưa biết ai đã nổ súng. Theo Trung tâm Y tế Erawan, một cảnh sát chết do bị bắn vào ngực, một người dân 52 tuổi bị bắn vào đầu và người thứ ba thiệt mạng là một thanh niên 29 tuổi. Trong số 59 người bị thương có cả cảnh sát lẫn phe biểu tình.
Cảnh sát nói rằng, 145 người biểu tình bị bắt giữ ở gần Bộ Năng lượng khi chiến dịch “Hòa bình cho Bangkok” bắt đầu. Đến giữa trưa 18-2, cảnh sát rút lui dần và đường phố Bangkok phần nào trở lại yên tĩnh.
Tại cuộc họp báo ở Bangkok, Giám đốc Cơ quan Điều tra đặc biệt Tharit Pengdit cho hay, chính những người biểu tình đã ném lựu đạn vào cảnh sát. Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanathabutr cũng khẳng định với Reuters rằng, lực lượng an ninh không sử dụng hơi cay. “Chính những người biểu tình ném hơi cay vào lực lượng an ninh”, ông Paradorn nói.
Thực tế, thời gian gần đây, các nhà chức trách Thái Lan tránh đụng độ trực tiếp với những người biểu tình, ngay cả khi phe chống chính phủ ngăn cản cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 vừa qua. Tuy nhiên, CNN cho rằng, tình huống thay đổi từ tuần trước, khi cảnh sát bắt đầu giành lại các khu vực bị những người biểu tình phong tỏa trong nhiều tháng.
Xung đột nói trên là căng thẳng mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 8 năm qua ở Thái Lan. Khủng hoảng đánh dấu sự đối đầu gay gắt giữa phe bảo hoàng và tầng lớp trung lưu ở Bangkok với những người dân nghèo hơn, trong đó hầu hết ở nông thôn, nơi được xem là “thành trì” vững chắc của Thủ tướng Yingluck và anh trai - ông Thaksin Shinawatra. Song, nông dân nghèo từng ủng hộ bà Yingluck nay cũng quay lưng với nữ Thủ tướng.
Những người biểu tình vẫn nhất quyết đòi Thủ tướng phải từ chức. Lãnh đạo phe biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban nhấn mạnh lực lượng của ông không đấu tranh để giành quyền lực cho chính mình. Theo ông, việc cải cách mà những người biểu tình mong muốn sẽ mang lại lợi ích cho những thế hệ sau và “kẻ thù của nhân dân Thái Lan chính là chế độ Thaksin”.
Thủ tướng Yingluck sẽ bị truy tố Trong lúc biểu tình diễn ra rầm rộ trên đường phố Bangkok, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan ngày 18-2 cho biết, Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ bị truy tố tội danh thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo và có thể bị cách chức, thậm chí bị loại khỏi tất cả các vị trí chính trị. Dự kiến Thủ tướng Yingluck bị ủy ban nói trên triệu tập vào ngày 27-2. Bà là người đứng đầu Ủy ban Gạo quốc gia. Chính phủ của bà đưa ra chương trình trợ giá gạo vào năm 2011 với việc mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. |
THIÊN BÌNH