ĐNĐT - Ngày 25-2, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã thông báo về việc thành lập một ủy ban trực thuộc sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống để tiến hành các kế hoạch “có hệ thống và mang tính xây dựng” cho việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-hye thông báo về việc thành lập một ủy ban tư vấn cho việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, ngày 25-2. Ảnh: AFP |
Ủy ban nói trên sẽ gồm các chuyên gia từ tất cả các thành phần trong xã hội và sẽ hoạch định các kế hoạch chi tiết cho việc mở rộng đối thoại và trao đổi liên Triều trên quan điểm sự thống nhất sau cùng.
Phát biểu nhân dịp đánh dấu một năm nhậm chức, Tổng thống Park cho biết trên truyền hình rằng: “Vì một nền hòa bình thực sự, cần phải kiến tạo sự chuẩn bị cho việc tái thống nhất mà sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trên Bán đảo”.
Bài phát biểu của Tổng thống Park trùng hợp với sự tan băng gần đây trong quan hệ hai miền, nhất là sự kiện đoàn tụ các gia đình ly tán Triều Tiên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, kéo dài trong 6 ngày qua.
“Tôi sẽ làm hết sức mình để thiết lập nền móng”, bà Park tuyên bố, đồng thời cam kết sẽ “đưa ra các phương hướng mang tính hệ thống và có tính chất xây dựng” cho việc tái thống nhất.
Quan điểm của Tổng thống Park trái ngược với nhiều chuyên gia, nhất là lợi ích về kinh tế.
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra chi phí cực kỳ tốn kém cho việc tiếp quản đất nước Triều Tiên nghèo đói, thì Tổng thống Park lại nhìn thấy một sự “thịnh vượng” tiềm năng sẽ được gặt hái từ sự kết hợp của giới chuyên môn công nghệ của miền nam với tài nguyên thiên nhiên của miền bắc.
Việc tái thống nhất lâu nay luôn được cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng khẳng định là ưu tiên số một. Bà Park từng nói, thống nhất đất nước là một di nguyện của cha mình, cố Tổng thống Park Chung Hee. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nói, mong muốn trước lúc chết của cha mình, cố lãnh đạo Kim Jong-il, là thống nhất đất nước.
Trong một cử chỉ nhượng bộ hiếm thấy, Triều Tiên đã không hủy việc đoàn tụ như trước, ngay cả khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận thường niên mà Triều Tiên bấy lâu nay phản bác.
Ngược lại, ngày 24-2, Hàn Quốc cũng đã đề ngỏ ý sẽ hỗ trợ Triều Tiên dập tắt ổ dịch lở mồm long móng cho gia súc đang diễn ra tại nước này.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh 1950-1953, hai miền chỉ mới ký thỏa thuận đình chiến.
Quang Hiển (Theo Yonhap)