Đặc sứ LHQ, trung gian hòa giải quốc tế Lakhdar Brahimi xin lỗi người dân Syria vì tiến trình đàm phán hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ) không thành công như mong muốn.
Vòng đàm phán thứ hai kết thúc vào ngày 15-2 mà không đạt được một thỏa thuận nào, cũng không xác định thời điểm cho vòng đàm phán thứ ba.
Ông Lakhdar Brahimi đến tham dự họp báo ở Geneva. Ảnh: Reuters |
Thật ra, thất bại của Hội nghị quốc tế lần thứ hai về Syria (gọi tắt là Geneva 2) được dự báo từ trước. Vì vậy, cái kết của Geneva 2 không bất ngờ, bởi dù nỗ lực như thế nào thì ông Brahimi cũng không thể làm khác được. Nhà ngoại giao của LHQ gốc Algeria không thể đơn phương làm cầu nối hàn gắn sự bất đồng và quá khác biệt giữa chính phủ Syria với lực lượng đối lập, khi hai nhân vật chính không muốn bắt tay nhau. “Tôi vô cùng lấy làm tiếc và xin lỗi người dân Syria. Hy vọng của họ đặt rất cao vào đây (Geneva 2), rằng một điều gì đó sẽ diễn ra”, Brahimi nói. Ông cũng cho biết sẽ tham vấn Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để tìm giải pháp tiếp theo.
Các nhà quan sát có lý khi cho rằng, LHQ có phần “đơn giản hóa”, thậm chí ảo tưởng khi kéo chính phủ Syria lẫn lực lượng đối lập cùng ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva 2, trong lúc quan điểm và mục đích của cả hai bên hoàn toàn không có điểm chung. Phe đối lập muốn chấm dứt chiến tranh và thiết lập chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, đoàn đàm phán của chính phủ Damascus lại muốn đặt vấn đề chống khủng bố (ám chỉ các tay súng nổi dậy) là ưu tiên hàng đầu.
Hơn nữa, LHQ muốn bàn thảo về bạo lực và chống khủng bố, hướng đến một chính phủ chuyển tiếp và thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, chắc chắn các nhà chức trách Syria không đến Geneva để bàn chuyện “chính phủ chuyển tiếp”, bởi đề cập vấn đề này thì chẳng khác gì họ tự tìm kết cục diệt vong cho mình.
Thành ra, đàm phán không đề cập việc thay đổi lãnh đạo ở Syria, trong khi cả Pháp và Anh - vốn ủng hộ lực lượng đối lập - đều chỉ trích Tổng thống Assad về sự bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Paris và London đổ lỗi cho chính phủ Damascus về thất bại tại Geneva. Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, chính phủ của Tổng thống Assad từ chối thảo luận về chính phủ chuyển tiếp - vấn đề trọng tâm của đàm phán và chính điều này mới có thể kết thúc cuộc xung đột. Ông Hague mô tả thất bại tại Geneva 2 là “sự trở ngại nghiêm trọng”.
Theo đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari, chính phủ Damascus đã chấp nhận đề xuất của ông Lakhdar Brahimi, nhưng “vấn đề nằm ở phía bên kia”. Ông Jaafari khẳng định sẵn sàng trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, phe đối lập lại nghi ngờ “sự sẵn sàng” này.
Vòng đàm phán đầu tiên (Geneva 1) diễn ra từ ngày 22 đến 31-1 và vòng đàm phán thứ hai (Geneva 2) từ ngày 10 đến 15-2 nối tiếp lộ trình hướng đến hòa bình được vạch ra từ tháng 6-2012. Sự “chạy đi chạy lại” như con thoi của đặc sứ LHQ Brahimi chưa được đền đáp xứng đáng nhưng ông hy vọng sẽ có cuộc gặp lần thứ ba.
Khủng hoảng tại Syria bắt đầu từ phong trào nổi dậy chống Tổng thống Assad với các cuộc biểu tình hòa bình trên đường phố cách đây 3 năm. Song, biểu tình chuyển thành cuộc nổi dậy vũ trang sau một cuộc “mạnh tay” của chính phủ. Từ đó, Syria rơi vào nội chiến với sự chia rẽ sâu sắc của các phe phái. Theo Reuters, số người chết tại Syria trong cuộc nội chiến được cho là 140.041 người, trong đó có 7.626 trẻ em và 5.064 phụ nữ.
VĨNH AN