.

Mỹ lại "xoay trục" về châu Á

.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến công du châu Á lần thứ tư. Đây là một phần trong chiến lược của Washington “xoay trục” về châu lục đang nổi lên này.

Trước khi trở lại châu Á, Ngoại trưởng John Kerry gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida (trái) tại Washington vào ngày 7-2.               Ảnh: AP
Trước khi trở lại châu Á, Ngoại trưởng John Kerry gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida (trái) tại Washington vào ngày 7-2. Ảnh: AP

Theo đó, từ ngày 13 đến 14-2, Ngoại trưởng John Kerry hiện diện ở Hàn Quốc và cũng trong ngày 14-2 sẽ đến Trung Quốc. Chuyến công cán diễn ra trong lúc căng thẳng đang gia tăng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và với Nhật Bản. Trong đó, Washington tỏ ra quan ngại về diễn biến căng thẳng đối với việc Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Tại Hàn Quốc, ông Kerry sẽ gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye và Ngoại trưởng Yun Byung-se. Tại Trung Quốc, ông sẽ hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị. AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng, an ninh hàng hải dĩ nhiên là một phần trong các cuộc thảo luận của ông Kerry cùng với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó còn có vấn đề ấm nóng toàn cầu và để giải quyết vấn đề này, theo bà Jen Psaki, cần có sự hợp tác của các nước có khí thải hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc...

Chuyến thăm Trung Quốc sắp tới sẽ là lần thứ hai Ngoại trưởng Kerry đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 2 năm ngoái. Các nhà quan sát quan tâm việc nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ đề cập những gì tại Trung Quốc, nhất là sau khi ông vừa cam kết rằng, Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản chống lại các cuộc tấn công liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, điều này có thể làm mích lòng “người khổng lồ” châu Á là Trung Quốc.

Theo ông Kerry, Hiệp ước an ninh năm 1960 giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn có hiệu lực và Washington phải bảo vệ đồng minh Tokyo. AFP cho hay, quan ngại về khả năng xảy ra xung đột gia tăng vào tháng 11 năm ngoái khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời yêu cầu các máy bay đi qua khu vực này phải thông báo với Bắc Kinh. Trung Quốc vốn không muốn Mỹ can thiệp vào căng thẳng ở biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Song, trong chính sách “xoay trục” về châu Á, được đưa ra từ tháng 11-2011, nhằm tái cân bằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực có các quốc gia đang nổi lên, Washington đương nhiên không thể “phớt lờ” những diễn biến từ bên kia đại dương.

Trong chuyến công cán lần này, Ngoại trưởng Kerry không đến Nhật Bản mặc dù Tokyo sẽ là điểm dừng chân của Tổng thống Barack Obama vào tháng 4-2014 trong một chuyến thăm chính thức châu Á.

Mỹ đưa ra chiến lược “xoay trục” về châu Á thời bà Hillary Clinton còn làm Ngoại trưởng, sau khi cường quốc số 1 thế giới quá tập trung vào hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Chiến lược đối với châu Á nay được ông John Kerry “tiếp quản”. Giới quan sát cho rằng, “xoay trục” về châu Á, trong đó có việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, sẽ không đơn giản.

Gần một năm làm Ngoại trưởng, ông Kerry đã đi hơn 327.000 dặm (52.000km) đến 39 nước nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Những chặng dừng chân tại Hàn Quốc và Trung Quốc vào tuần này sẽ mang theo những thông điệp - quan điểm của Mỹ trong  việc hiện thực hóa “giấc mơ Thái Bình Dương”.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.