Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đang trở thành nhân vật trung tâm khi bà xuất hiện trên đường phố Kiev, kêu gọi những người biểu tình tiếp tục đấu tranh. “Các bạn có thể thay đổi Ukraine và có thể làm tất cả”, bà Tymoshenko nói.
Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko xuất hiện ở Quảng trường Độc lập tại Kiev. Ảnh: Reuters |
AFP mô tả Ukraine đang bước vào “một kỷ nguyên mới” với hàng loạt sự kiện: Quốc hội phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych, kêu gọi bầu cử sớm và tất nhiên có việc cựu Thủ tướng Tymoshenko được phóng thích.
Các nhà quan sát cho rằng, việc phóng thích cựu Thủ tướng Tymoshenko đưa cuộc khủng hoảng ở Ukraine theo hướng khác: một chính phủ liên minh có thể được thành lập thay cho chính phủ dưới quyền của Tổng thống Yanukovych sau cuộc họp của Quốc hội vào ngày 23-2. Và hơn hết, với sự trở lại của “người đàn bà thép” 53 tuổi, Ukraine sẽ có thể rẽ theo hướng thân châu Âu, chứ không xích lại gần Nga như mong muốn của ông Yanukovych.
Tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, bà Tymoshenko nói trong nước mắt, kêu gọi công lý cho những người biểu tình đã thiệt mạng. Bà nói rằng, mọi người có quyền “tham gia xây dựng một nhà nước châu Âu độc lập”.
Các cuộc biểu tình được khơi mào sau quyết định của Tổng thống Yanukovych từ chối thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), thay vào đó bắt tay với Nga trong một gói giải cứu trị giá 15 tỷ USD. Người biểu tình chủ yếu ở khu vực Kiev và miền tây nói tiếng Ukraine, vốn có quan hệ gần gũi với EU, hơn là khu vực miền đông nói tiếng Nga. Hầu hết những người biểu tình muốn Ukraine gia nhập khối 28 thành viên châu Âu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng càng làm chia rẽ đất nước có 46 triệu dân từng thuộc Liên Xô cũ.
AP gọi ngày diễn ra hàng loạt biến động ở Ukraine là “ngày điên cuồng”. Chưa rõ nơi ở của ông Yanukovych mặc dù trước đó, nhà lãnh đạo này xuất hiện trên truyền hình, gọi việc lật đổ ông là “cuộc đảo chính”, đồng thời cam kết không từ chức. Các nhà chức trách tuyên bố ngăn ông Yanukovych ra nước ngoài và đoán ông có thể trốn ở khu vực phía đông.
Về phía cựu Thủ tướng Tymoshenko, việc trả tự do cho bà cũng là yêu cầu của EU. Bà nhận án 7 năm tù vào năm 2011 vì tội lạm dụng quyền lực, gây thiệt hại cho ngân khố quốc gia hơn 1,5 tỷ gripna (gần 200 triệu USD) trong hợp đồng cung cấp năng lượng ký với Nga vào năm 2009. Sự trở lại đầy bất ngờ của Tymoshenko khiến người ta nhớ đến Cách mạng Cam năm 2004. Lúc đó, bà cũng lật đổ ông Yanukovych, đưa ông Viktor Yushchenko lên làm Tổng thống, còn bà làm Thủ tướng. Sau đó, Yanukovych đã trở lại, đánh bại bà trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010.
Tuy nhiên, theo cựu Phó Thủ tướng Oleg Rybachuk, bà Tymoshenko không nên trở thành Tổng thống thay thế ông Yanukovych, bởi đất nước cần một thế hệ lãnh đạo mới.
Tuy phe đối lập hoan nghênh việc phóng thích bà Tymoshenko, nhưng họ chưa hẳn hoàn toàn ủng hộ bà. Trước lúc nhận án tù, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà giảm. Thậm chí, nhiều người Ukraine đổ lỗi cho cựu Thủ tướng trong cuộc khủng hoảng những năm sau Cách mạng Cam, hoặc xem bà là một trong những chính trị gia tham nhũng hàng đầu ở quốc gia này.
Tại Hội nghị G20 ở Sydney (Úc), Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề nghị hỗ trợ Ukraine tái xây dựng nền kinh tế sau 3 tháng diễn ra biểu tình. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhấn mạnh: Mỹ đang phối hợp với các nước, trong đó có Nga, sẵn sàng trợ giúp Ukraine thực thi cải cách để khôi phục sự ổn định về kinh tế. Các quan chức châu Âu kêu gọi người dân Ukraine điềm tĩnh. Trong khi đó, AP cho biết, các quan chức quân đội và quốc phòng Ukraine kêu gọi người dân nước này bảo đảm hòa bình nhưng không đứng về phía ông Yanukovych hay phe đối lập. |
VĨNH AN