(ĐNĐT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đang đối mặt với thảm họa ung thư và ngay bây giờ, cần phải hạn chế việc sử rượu bia và đường cũng như thay đổi nhận thức về một lối sống lành mạnh.
Rất nhiều người không biết rằng, họ có thể làm nhiều điều để giảm thiểu nguy cơ ung thư. Ảnh: SPL |
Theo báo cáo nghiên cứu ung thư thế giới của WHO năm 2014, đến năm 2035, số ca ung thư có thể đạt tới 24 triệu và trong đó, chỉ có một nửa là có thể ngăn ngừa. Theo WHO, ngay bây giờ “thực sự cần thiết” phải tập trung vào việc ngăn ngừa ung thư bằng việc hạn chế thuốc lá, tiểu đường và rượu bia.
Theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF), mức độ thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của ăn uống trong phòng ngừa ung thư của nhân loại hiện đang “đáng báo động”.
Hiện nay, mỗi năm người ta chẩn đoán 14 triệu người mắc ung thư, tuy nhiên, con số đó sẽ tăng lên 19 triệu vào 2025 và 22 triệu và 2030 và 24 triệu vào năm 2035. Số người chết vì ung thư trong giai đoạn này sẽ từ 8,2 triệu lên 13 triệu mỗi năm.
Tiến sĩ Chris Wild, Giám đốc WCRF thuộc WHO, cho biết: “Gánh nặng ung thư của thế giới đang gia tăng khá rõ rệt, chủ yếu là do dân số già hóa và sự gia tăng dân số”.
Theo Tiến sĩ Wild, chi phí chữa trị ung thư đang vượt tầm kiểm soát, ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao. Việc ngăn ngừa hiện nay là tối cần thiết nhưng trong chừng mực nào đó lại bị bỏ qua”.
Hơn 60% ca ung thư của thế giới và 70% cái chết vì ung thư đã xảy ra tai châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ.
“Tại thế giới đang phát triển, chúng tôi đang thực sự bắt đầu hiểu ung thư là vấn đề nghiêm trọng như thế nào đối với các quốc gia này”, Curan, Trường Y khoa Emory cho biết.
Bản báo cáo Ung thư 2014 của WHO cho thấy các nguồn căn ung thư có thể ngăn ngừa được gồm:
• Hút thuốc
• Lây nhiễm
• Rượu bia
• Tiểu đường và lười vận động
• Phóng xạ (cả từ mặt trời và từ nguồn xét nghiệm y khoa)
• Ô nhiễm không khí và các yếu tố môi trường
• Trì hoãn làm cha mẹ, có ít con và không cho con bú sữa mẹ
Ở nhiều nước, ung thư vú là phổ biến nhất ở phụ nữ. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung lại chiếm phần lớn ở châu Phi. Virus HVP là nguyên nhân chính gây ra loại ung thư này. Việc sử dụng rộng rãi vaccin HPV và các loại vaccin khác có thể ngăn ngừa hàng trăm ngàn ca ung thư này mỗi năm.
Tiến sĩ Bernard Stewart của Đại học New South Wales, (Australia), cho rằng việc phòng ngừa “đóng một vai trò sống con trong cuộc chiến chống thảm họa sắp tới đây mà thế giới sẽ phải chứng kiến”.
Theo tiến sĩ Stewart , hành vi của con người đứng đằng sau nhiều ca ung thư như tắm nắng “cho tới khi nướng đều cả hai phía”, đang tiệm cận quê hương Australia của ông.
Trong khi đó, loài người chưa nhìn nhận thấu đáo vai trò của rượu trong việc làm gia tăng nguy cơ ung thư. Ông cho rằng, tới đây, chúng ta cần có chính sách nhằm thay đổi việc tiếp cận với rượu, chẳng hạn như dán nhãn, chính sách khuyến mãi rượu và giá bán rượu.
Tiến sĩ Stewart cũng đưa ra cảnh báo tương tự với đường trong vai trò làm gia tăng tiểu đường vốn có nguy cơ gây ung thư.
Một khảo sát đối với 2.046 tại Anh của WCRF cho thấy, 49% không biết cách mà thức ăn làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư.
1/3 số người được khảo sát cho rằng ung thư chủ yếu là do tiền sử gia đình, tuy nhiên, Quỹ trên cho biết, chưa tới 10% các ca ung thư rơi vào gien di truyền.
Theo Tổng giám đốc WCRF, Amanda McLean, điều đáng báo động khi nhìn thấy con số người khảo sát đó không thấy rằng, có nhiều thứ mà họ có thể làm để giảm thiểu rõ rệt nguy cơ bị mắc ung thư.
“Tại Anh, khoảng 1/3 của các ca ung thư thường gặp nhất có thể được ngăn ngừa bằng việc có được cân nặng lành mạnh, ăn uống điều độ và siêng tập thể dục. Kết quả này cho thấy nhiều người vẫn chấp nhận một cách sai lầm nguy cơ họ bị mắc ung thư khi cho đó là do may rủi mà lại không thay đổi lối sống hôm nay, để ngày mai có thể ngăn ngừa ung thư”, ông cho biết.
WCRF khuyến cáo một bữa ăn nhiều rau quả, hạt thô, giảm thiểu rượu bia, thịt đỏ và vứt bỏ hoàn toàn thịt đã qua xử lý.
Khi nói về vai trò của việc phòng ngừa, tiến sĩ Jean King, Giám đốc Cục kiểm soát thuốc lá của Quỹ nghiên cứu ung thư Anh, cho rằng: “Điều thật sự chấn động về dự báo của bản báo cáo này rằng con số 14 triệu ca ung thư mỗi năm sẽ tăng lên 24 triệu trên toàn cầu trong 20 năm tới đây là có tới một nửa số ca có thể ngăn ngừa được”.
“Loài người có thể giảm nguy cơ ung thư bằng cách chọn lối sống lành mạnh, nhưng điều quan trọng là phải nhớ rằng, chính phủ và các tổ chức xã hội cũng có trách nhiệm tạo ra một môi trường hỗ trợ cho các lối sống lành mạnh đó”.
"Rõ ràng rằng, nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để giảm số người mắc ung thư, chúng ta sẽ sống trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu về ung thư trong vòng 2 thập niên tới”, Tiến sĩ King nói.
Quang Hiển (theo CNN, BBC)