Giải thể lực lượng cảnh sát chống bạo động đã trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Độc lập tại Kiev là bước đi thứ hai của chính phủ lâm thời Ukraine, sau khi phát lệnh bắt Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Lực lượng cảnh sát chống bạo động (Berkut) bị giải thể. Ảnh: Reuters |
Cảnh sát chống bạo động (Berkut) chịu trách nhiệm đối với cái chết của hơn 100 người trong những vụ xung đột ở thủ đô Kiev. Lực lượng này bị cáo buộc đã xả súng vào những người biểu tình ở Quảng trường Độc lập và tra tấn tàn bạo những người bị bắt giữ. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết, một người biểu tình bị lột trần trước lực lượng Berkut và giam trong thời tiết lạnh -5 độ C.
“Berkut không tồn tại nữa”, ông Avakov viết trên facebook. Ông đã ký và ra lệnh giải thể các đơn vị cảnh sát đặc biệt Berkut. AFP cho hay, giới truyền thông bày tỏ lo ngại 5.000 thành viên Berkut, đang được triển khai ở tất cả khu vực của Ukraine có thể nổi loạn.
Trước đó, tối 24-2, lực lượng Berkut quỳ gối và cúi đầu xin lỗi người dân thành phố Lviv. Những cảnh sát này từ thủ đô Kiev trở về Lviv. Họ nói rằng, dù không tham gia tấn công người biểu tình nhưng vẫn cảm thấy xấu hổ về những gì lực lượng an ninh đã làm. Tuy nhiên, một số cảnh sát không đồng tình với việc xin lỗi và cho rằng, việc chống bạo động là nhiệm vụ của họ.
“Mối đe dọa nghiêm trọng”
Tổng thống bị lật đổ Yanukovych cũng bị cáo buộc đứng sau việc cảnh sát xả súng vào những người biểu tình. Quốc hội Ukraine muốn đưa ông ra Tòa án Hình sự quốc tế ở The Hague (Hà Lan). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ông đang ở đâu.
Trong lúc đó, chính phủ tạm quyền đối mặt với sự tiếp tục chống đối của các khu vực nói tiếng Nga. Tổng thống lâm thời Olexander Turchynov, cũng là người đứng đầu các lực lượng vũ trang, bày tỏ quan ngại về những gì mà ông mô tả là “mối đe dọa nghiêm trọng” của chủ nghĩa ly khai thời hậu Yanukovych.
Sự chia rẽ giữa các khu vực phía tây thân châu Âu với các khu vực phía đông và nam thân Nga ở đất nước 46 triệu dân đang ngày càng thể hiện rõ. Những người thân Nga không hài lòng về sự chuyển đổi trên chính trường ở Ukraine. Phát biểu trước Quốc hội, ông Turchynov cho biết, ông sẽ gặp gỡ các cơ quan thi hành luật để bàn thảo về nguy cơ ly khai ở các khu vực nói tiếng Nga, trong đó có bán đảo Crimea - được cho là nơi ẩn náu hiện tại của ông Yanukovych.
Những người biểu tình đã lật đổ thị trưởng thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea, vốn là “thành trì” của lực lượng hải quân Nga trong 250 năm qua, đồng thời chọn một người Nga vào vị trí này. Quốc kỳ Ukraine tại trụ sở chính quyền địa phương cũng được thay thế bằng cờ Nga.
Tại Simferopol, thủ phủ của Crimea, hai cuộc tuần hành diễn ra vào ngày 26-2. Crimea vốn được xem là khu vực chiến lược quan trọng bởi gần với hạm đội Biển Đen của Nga.
Tìm kiếm viện trợ
Chính phủ lâm thời Ukraine đang đứng trước khoản nợ 13 tỷ USD cần phải thanh toán cho nước ngoài trong năm nay, trong khi chỉ còn chưa đầy 18 tỷ USD dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 1 vừa qua. Để tránh vỡ nợ và cứu vãn nền kinh tế, Ukraine cần huy động 35 tỷ USD từ phương tây. Bộ trưởng Tài chính Yuri Kobolov xác nhận con số 35 tỷ USD cần cho năm nay và năm tới. Thực tế, ông Kobolov đang tìm kiếm nguồn tiền từ Mỹ hoặc châu Âu và hy vọng sẽ có được khoản tiền này trong vòng 2 tuần.
AFP cho biết, cả Mỹ lẫn Anh đều công khai ủng hộ cùng giải cứu nền kinh tế Ukraine dưới sự giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong lúc đó, Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak cho rằng, không có cuộc đàm phán đa phương nào được tổ chức về việc hình thành gói giải cứu tài chính cho Ukraine. Theo vị quan chức này, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng kinh tế của Ukraine.
THIÊN BÌNH