Số phận của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vẫn là dấu hỏi khi chính phủ lâm thời nước này ra lệnh bắt ông vì tội “giết người hàng loạt”.
Biểu tình phản đối Tổng thống Viktor Yanukovych diễn ra rầm rộ, xuất phát từ một thỏa thuận với Nga. Ảnh: AP |
Theo đó, ông Yanukovych sẽ đối mặt với một phiên tòa nhưng hiện vẫn chưa rõ vị Tổng thống bị lật đổ này đang ở đâu. Reuters cho biết, ông có thể đang ẩn náu một nơi nào đó tại miền nam Ukraine, cụ thể là ở bán đảo Crimea thân Nga, cùng trợ lý hàng đầu và lực lượng an ninh.
Trên facebook, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov xác nhận việc ra lệnh truy nã ông Yanukovych. Ít nhất 82 người, hầu hết là những người biểu tình, thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở thủ đô Kiev vào tuần qua. Theo ông Avakov, Tổng thống Yanukovych và những người khác có liên quan phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Ông Avakov cũng nói rằng, ông Yanukovych đã đến bán đảo Crimea vào ngày 23-2 nhưng sau đó biến mất.
Trở lại con đường hội nhập châu Âu
Khủng hoảng chính trị đang gây chấn động Ukraine, làm gia tăng quan ngại gây chia rẽ giữa khu vực miền tây nói tiếng Ukraine, vốn có quan hệ gần gũi với EU, với khu vực miền đông nói tiếng Nga. Chủ tịch Quốc hội Oleksander Turchynov được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống là động thái bất ngờ trong lúc đất nước đang bên bờ vực vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính lâm thời ngày 24-2 cho biết, chính phủ Ukraine cần 35 tỷ USD trong năm nay và năm tới, đồng thời bày tỏ hy vọng châu Âu cũng như Mỹ sẽ không “bỏ rơi” Kiev.
AP dẫn lời quyền Tổng thống Turchynov khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là cứu nền kinh tế và quay trở lại con đường hội nhập châu Âu. “Chúng ta phải trở lại với đại gia đình các quốc gia châu Âu”, ông Turchynov nói. Dự kiến sự lựa chọn châu Âu của Ukraine sẽ được xác nhận trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-5 tới.
Trong lúc đó, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận với Ukraine, vốn liên quan đến hàng tỷ USD tại các khu vực đặc quyền kinh tế. Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton hiện diện ở Kiev vào ngày 24 và 25-2, mang theo các giải pháp nhằm vực dậy một nền kinh tế ốm yếu.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng lâm thời Ukraine Yuri Kolobov bày tỏ hy vọng nhận được các khoản vay khẩn cấp trong vòng 2 tuần tới từ các đối tác nước ngoài như Mỹ và Ba Lan. Ông Kolobov còn kêu gọi hội nghị các nhà tài trợ quốc tế nhằm thảo luận vấn đề viện trợ cho đất nước của mình.
Nga chỉ trích Mỹ
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố chỉ trích phát biểu của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice về khả năng can thiệp quân sự của Mátxcơva vào Ukraine. Tuyên bố nêu rõ: Phát biểu của bà Rice xuất phát từ thực tế can thiệp quân sự của Mỹ vào các nước trên thế giới và phát biểu này chỉ phù hợp với lãnh đạo Washington khi họ muốn can thiệp vào các nước khác, chứ không phải với Mátxcơva trong trường hợp Ukraine.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, bà Rice cảnh báo can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”. Hơn nữa, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ còn nhận định rằng, sự trở lại của một thế trận Chiến tranh Lạnh sẽ không phù hợp với thực tế hiện nay.
Reuters cũng dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraine hy vọng giá mua khí đốt của Nga sẽ không thay đổi. Tháng 12 năm ngoái, Mátxcơva đồng ý giảm giá khí đốt cho Kiev xuống 268,5 USD/m3, tức giảm 1/3 từ mức giá khoảng 400 USD mà Kiev trả từ năm 2009. Ukraine tiêu thụ khoảng 55 tỷ m3 khí đốt/năm, trong đó hơn 1/2 được nhập khẩu từ Nga. Chưa rõ quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ chuyển theo chiều hướng nào sau khi ông Yanukovych bị lật đổ. Song, đến nay Tổng thống Vladimir Putin vẫn giữ im lặng trước các diễn biến xảy ra ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.
BÌNH YÊN