Thỏa thuận đình chiến giữa chính phủ Ukraine với phe đối lập chỉ kéo dài vỏn vẹn trong vài giờ rồi đổ vỡ.
Ngày 20-2, thủ đô Kiev tiếp tục trở thành chiến trường khi hàng trăm người tái chiếm Quảng trường Độc lập. Ít nhất 21 dân thường thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với cảnh sát. Những người biểu tình đẩy lui cảnh sát khoảng 200m và kiểm soát hầu hết Quảng trường Độc lập. Thỏa thuận đình chiến đạt được trong đêm 19-2 trở nên vô hiệu.
Quảng trường Độc lập ở Kiev đỏ lửa trong ngày 20-2. Ảnh: AP |
Giai đoạn khủng hoảng nhất
Reuters cho biết, tổng số người chết từ ngày 18-2 tăng lên ít nhất 43. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính xác có bao nhiêu người chết bởi các con số thống kê khác nhau. Tuyên bố của Tổng thống Viktor Yanukovych cho biết, phía cảnh sát cũng có hàng chục người chết và bị thương. Nhà lãnh đạo này đổ lỗi chính những người biểu tình đã phá hủy thỏa thuận ngừng bắn. “Phe đối lập dùng thời gian đàm phán để câu giờ, huy động vũ khí cho lực lượng biểu tình”, tuyên bố nêu rõ.
Theo Reuters, Ukraine đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nhất trong lịch sử 22 năm của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Xung đột mới lại bùng phát ngay trước khi 3 Ngoại trưởng châu Âu (Đức, Pháp và Ba Lan) đến Kiev để thúc đẩy thỏa thuận giữa Tổng thống Yanukovych với phe đối lập. Ba nhà ngoại giao được cho là đại diện cho phương Tây đưa ra nhiều giải pháp cấm vận để đổi lấy “cái bắt tay” giữa nhà lãnh đạo Ukraine với lực lượng biểu tình, tiến tới kết thúc cuộc xung đột đẫm máu. Cuộc gặp gỡ này ban đầu bị hoãn vì các lý do an ninh nhưng được nối lại sau đó, theo thông tin từ trợ lý hàng đầu của Tổng thống Yanukovych.
Nga - Mỹ giành ảnh hưởng
Các nhà quan sát cho rằng, khủng hoảng ở Ukraine phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa lực lượng thân Nga và lực lượng thân phương Tây. Các cuộc vận động chính trị hiện vẫn tiếp diễn, bởi cả Mátxcơva lẫn phương Tây đều muốn giành ảnh hưởng đối với quốc gia có 46 triệu người này.
Là đồng minh của chính phủ Ukraine, Nga lên án việc cả Mỹ lẫn EU ủng hộ phe đối lập trong việc yêu cầu Tổng thống Yanukovych chia sẻ quyền lực và tổ chức bầu cử mới. Ông Yanukovych lên nắm quyền vào năm 2010 với xu hướng thân Nga. Mátxcơva cũng chủ trương thúc đẩy các khoản cho vay đối với Kiev cho đến khi nhìn thấy sự ổn định ở đất nước này, cụ thể là gói giải cứu trị giá 15 tỷ USD - nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát biểu tình. Bộ Ngoại giao Nga mô tả bạo lực là nỗ lực đảo chính, thậm chí gọi đây là “cách mạng nâu”. Mátxcơva khẳng định sẽ sử dụng “toàn bộ ảnh hưởng để khôi phục hòa bình và ổn định” tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, từng gặp người đồng cấp Yanukovich 6 lần kể từ khi khủng hoảng xảy ra, đến nay vẫn giữ im lặng. Nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi cho phương Tây đã kích động lực lượng cực đoan đối lập “hành động ngoài khuôn khổ pháp luật”. Trong khi đó, Interfax dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chỉ trích cách Tổng thống Yanukovych đối phó khủng hoảng.
Mỹ đang gây áp lực cho Ukraine bằng việc cấm nhập cảnh đối với 20 quan chức nước này. Các Ngoại trưởng EU cũng nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào tối 20-2 để xem xét các giải pháp tương tự. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ ở Mexico, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình Ukraine. Theo ông, mục tiêu của Washington là “bảo đảm cho người Ukraine có thể tự quyết định tương lai của họ”.
AP cho hay, hiện không bên nào ở Ukraine cho thấy sẵn sàng thương lượng. Song, phe đối lập khẳng định điều kiện tiên quyết của họ là ông Yanukovych phải từ chức và tiến hành bầu cử sớm. Những phần tử cấp tiến trong hàng ngũ biểu tình sẽ khó tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và không dễ chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine lại cam kết đấu tranh cho đến phút cuối cùng.
PHÚC NGUYÊN