.

Bước đi chớp nhoáng của Nga

.

Việc sáp nhập Crimea diễn ra chớp nhoáng. Có lẽ đến lúc này, châu Âu vẫn ngỡ ngàng về việc Crimea trở thành một phần của Liên bang Nga. Không còn cách nào khác, châu lục già cỗi phải lựa chọn cách ký kết thỏa thuận chính trị với Ukraine.

Lực lượng được cho là binh sĩ Nga tuần tra bên ngoài căn cứ quân sự ở Perevalnoye, gần thành phố Simferopol của Crimea.  					           Ảnh: Reuters
Lực lượng được cho là binh sĩ Nga tuần tra bên ngoài căn cứ quân sự ở Perevalnoye, gần thành phố Simferopol của Crimea. Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, cục diện địa chính trị tại châu Âu đã thay đổi, châu Âu đang thể hiện sự yếu kém về chính trị, còn Nga chứng minh “sức nặng” của mình. Không những thế, mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh giữa Nga và Mỹ sau Chiến tranh Lạnh cũng kết thúc.

Thực tế, trước khi xảy ra sự kiện Crimea, quan hệ giữa Mỹ và Nga đã rạn nứt nghiêm trọng, chủ yếu vì vụ Edward Snowden - cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Và lần này, khi Crimea sáp nhập vào Nga, quan hệ song phương giữa hai cường quốc sẽ khó hàn gắn trở lại nhanh chóng như sau cuộc chiến tranh ở Georgia năm 2008.

Báo New York Times dẫn lời Toby Gati, nhà nghiên cứu các vấn đề Nga và từng là quan chức dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho rằng việc Nga sáp nhập Crimea là “một trận động đất và không chỉ là cơn địa chấn nhỏ cấp 4”. Ông Thomas Gomart, chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế của Pháp, nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến phương Tây “sững sờ”. Sự cứng rắn, quyết đoán của người đứng đầu Điện Kremlin làm châu Âu và NATO lúng túng. Đến nay, cả Mỹ lẫn châu Âu chưa có động thái gì gọi là trả đũa mạnh mẽ, hay cô lập Nga, ngoài những tuyên bố cấm vận mang tính răn đe. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt đó, hay việc “thế giới đang đánh giá lại quan hệ với Nga”, theo ông Thomas Gomart, là “không tương xứng với tầm mức của vấn đề”, bởi không làm Tổng thống Putin lung lay quan điểm hoặc tỏ ra sợ hãi. Việc “đóng băng” tài sản hay cấm visa, cắt giao dịch thương mại… cũng không cho thấy “Nga cần châu Âu hơn là châu Âu cần Nga”, như Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo.

Trong một bài viết trên tờ Sunday Telegraph, Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, đã đến lúc xem xét “mối quan hệ nhà nước mới” khác với 20 năm trước đây. Theo ông Hague, nước Anh và các đồng minh châu Âu sẽ không sợ. Nếu đúng như ông Hague nói, thì thực chất, dù không sợ nhưng Anh và châu Âu cũng không thể xem nhẹ Nga. Bởi lẽ, trong các vấn đề mang tính toàn cầu, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Nga vẫn nắm lá phiếu “át chủ bài”. Nếu không có cái gật đầu của Nga thì Mỹ sẽ khó giải quyết được các vấn đề liên quan Syria, Iran, hay CHDCND Triều Tiên.

Về phía Tổng thống Putin, với việc hoàn tất “ván cờ Đông - Tây tại Ukraine”, ông đã giành thắng lợi về nhiều phương diện: thứ nhất, đưa Crimea trở về “đất mẹ” Nga, bảo vệ công dân nói tiếng Nga ở bán đảo có 2 triệu người sinh sống; thứ hai, với thất bại này, chính phủ trung ương Ukraine sẽ không đưa đất nước gia nhập NATO. Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseny Yatseniuk hôm 18-3 phát biểu trên truyền hình rằng, việc gia nhập NATO không có trong chương trình nghị sự của Kiev nữa. Tuy nhiên, không có điều gì bảo đảm rằng trong tương lai Kiev sẽ không trở thành thành viên của NATO - điều mà nhiều quan chức Mátxcơva lo ngại.

Đáng lưu ý là Nga bị gạt khỏi Hội nghị G8. Thay vào đó, hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) diễn ra tại dinh thự của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở The Hague vào hôm nay (24-3), bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân (NSS). Từ ngày 18-3, Tổng thống Obama đã mời các nhà lãnh đạo dự hội nghị G7 khẩn cấp tại Hà Lan để bàn hành động đối phó với Nga. Tổng cộng 58 nhà lãnh đạo thế giới tham dự NSS, nhưng Nga cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đi thay Tổng thống Putin.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.