Việc “cấm cửa” các quan chức Ukraine được cho là phản ứng mạnh mẽ nhất của chính quyền Crimea sau khi người dân bán đảo này lựa chọn việc sáp nhập vào Nga như giải pháp “trở về đất mẹ”.
Người dân ở thành phố Sevastopol (Crimea) vẫy cờ Nga, hoan nghênh việc “trở về đất mẹ”. Ảnh: AP |
AP dẫn lời Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov ngày 19-3 cho biết, các quan chức cấp cao của Ukraine được phái tới bán đảo Biển Đen này sẽ không thể nhập cảnh. “Họ không được hoan nghênh ở Crimea. Không ai cho phép họ vào Crimea. Họ sẽ trở về”, ông Aksyonov nói.
Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk ra lệnh cho Phó Thủ tướng thứ nhất Vitaly Yarema và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ihor Tenyukh đáp chuyến bay khẩn cấp đến Crimea để “ngăn chặn xung đột leo thang”, nhất là sau khi có thông tin xảy ra vụ nổ súng khiến 2 binh sĩ thiệt mạng. Cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Ukraine không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và phản đối mạnh mẽ việc người dân khu vực này lựa chọn Nga.
Tình hình ở Crimea càng trở nên căng thẳng trong ngày 19-3, khi khoảng 300 tay súng được cho là lực lượng thân Nga tấn công và chiếm một căn cứ của hải quân Ukraine ở thành phố Sevastopol. Họ đã không gặp phải sự kháng cự nào và cũng không có tiếng súng nổ. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh tuyên bố Kiev sẽ không rút quân khỏi Crimea, dù bán đảo này đã gia nhập Nga. Thủ tướng Arseny Yatseniuk cảnh báo khủng hoảng đang chuyển từ “chính trị sang hình thức quân sự”, và đổ lỗi cho quân đội Nga.
Trong khi đó, Simferopol - thành phố chính của Crimea - trở lại khá yên tĩnh trong ngày 19-3.
Lãnh đạo các nước phương Tây tiếp tục chỉ trích gay gắt việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, ông Putin “muốn vẽ lại bản đồ châu Âu”. Nội các Đức vừa phê chuẩn các kế hoạch của EU trong việc hợp tác chính trị chặt chẽ hơn với Ukraine, mở đường để Thủ tướng Angela Merkel ký thỏa thuận hợp tác với Kiev tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần này.
Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama lặp lại đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc chi 1 tỷ USD cho Ukraine vay. Song, các quan chức Washington thận trọng, thậm chí e ngại trước đề nghị can thiệp quân sự của Ukraine vì không muốn khiêu khích Điện Kremlin. Tuần tới, ông Obama sẽ thúc giục các đồng minh hỗ trợ Ukraine tháo gỡ khủng hoảng kinh tế khi Kiev không còn nhận được khoản vay lớn từ Nga. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đi tiên phong, nhưng số tiền chi cho Ukraine không nhỏ bởi quốc gia này cần đến 25 tỷ USD trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, theo AFP, các đe dọa và các đòn trừng phạt không làm Tổng thống Putin lùi bước. Nga cho rằng, việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy hoãn chuyến thăm Mátxcơva ngày 19-3 vì các đồng minh của ông không muốn “lắng nghe sự thật” về cuộc khủng hoảng Ukraine. Một quan chức cấp cao EU tại Brussels (Bỉ) bác bỏ thông tin ông Van Rompuy có kế hoạch đến Mátxcơva. Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Van Rompuy tự nguyện đến Mátxcơva để lắng nghe quan điểm của Điện Kremlin về khủng hoảng Ukraine nhưng chuyến công cán này bị các quan chức EU cản trở.
PHÚC NGUYÊN