.

Đại hội đồng LHQ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý của Crimea

.

ĐNĐT - Ngày 27-3, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và khẳng định cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là không hợp pháp.

: Các nhà ngoại giao chụp ảnh bảng kết quả bỏ phiếu nghị quyết Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP.
Các nhà ngoại giao chụp ảnh bảng kết quả bỏ phiếu nghị quyết Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP.

Bản nghị quyết của LHQ do Ukraine soạn thảo, thúc giục cộng đồng quốc tế ủng hộ, đã được thông qua với 100 phiếu thuận và 11 phiếu chống.

Ukraine đã đệ trình bản dự thảo nghị quyết trên với một ngôn ngữ ôn hòa với hy vọng thu hút được số phiếu thuận lớn nhất; trong bản dự thảo không hề đề cập trực tiếp tới Nga.

Bản dự thảo này tương tự với bản dự thảo do Mỹ thực hiện và gửi cho Hội đồng Bảo an LHQ hôm 19-3 đã bị Nga phủ quyết. Trung Quốc bỏ phiếu trắng và 13 thành viên của HĐBA khác bỏ phiếu thuận.

Bản dự thảo ngày 27-3 nhắc lại rằng, cuộc trưng cầu hôm 16-3 tại Crimea là “không có hiệu lực” và yêu cầu các quốc gia không công nhận bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng pháp lý của bán đảo Biển Đen.

Dự thảo kêu gọi các quốc gia kiềm chế có bất kỳ hành động nào làm thay đổi biên giới của Ukraine thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc các phương tiện trái phép khác và kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Trong khi đó, Nga cho rằng, nước này không có quyền từ chối ủng hộ người dân Crimea về quyền tự quyết của họ.

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Nga, Vitaly Churkin cho biết: “Trong vài thế kỷ, Crimea đã từng là “một phần lãnh thổ không tách rời của đất nước chúng tôi. Chỉ một quyết định độc đoán của Liên Xô chuyển vùng này cho Ukraine đã làm đảo lộn bản chất tự nhiên này của vụ việc”.

11 nước bỏ phiếu chống dự thảo là Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Triều Tiên, Nga, Nicaragua, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe. Trong số các nước bỏ phiếu trắng có Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan; Israel và Iran không bỏ phiếu.

Về hình thức, nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc pháp lý và không có các hành động khác đi kèm.

Quang Hiển (theo CNA, RT)

;
.
.
.
.
.